Chiều ngày 8/11, Diễn đàn Thuế – Hải quan năm 2023 đã diễn ra với chủ đề “Chuyển đổi số ngành thuế và hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Thời gian qua, những kết quả trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã đạt được như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Trong lĩnh vực hải quan, 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa Quốc gia…
Kết quả chuyển đồi có ngành Thuế và Hải quan đã góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã góp phần xây dựng ngành Thuế hiện đại, hoạt động hiệu quả và triển khai thành công các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, ngành Thuế đã thay đổi tổng thể và toàn diện về cách thức làm việc, đưa toàn bộ hoạt động của cơ quan Thuế lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Theo ông Minh, ngành Thuế xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.
Cụ thể, triển khai ứng dụng quản lý thuế tập trung TMS, hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế; ứng dụng AI trong phân tích chuỗi liên kết mua bán trên hóa đơn điện tử.
Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế trong giai đoạn 2021 – 2025, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương; chuyển đổi số là quyết tâm chính trị của người đứng đầu.
Trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Chính vì vậy, để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.
Cụ thể là xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro; mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; Chatbot hỗ trợ người nộp thuế; mở rộng bản đồ số hộ, cá nhân kinh doanh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Bắc Hà – Trưởng ban Hội viên và Đào tạo, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những cải cách mô hình quản lý phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm bớt quá trình giao dịch trực tiếp giữa cán bộ ngành thuế và hải quan với người dân và doanh nghiệp, tỉ lệ các thủ tục hành chính qua nền tảng trực tuyến ngày càng tăng.
Đại diện VCCI cũng đánh giá, một bộ phận cán bộ ngành thuế, hải quan đã được mô tả vị trí việc làm cụ thể qua đó giúp quá trình triển khai, đánh giá, phối hợp một cách khoa học, rõ ràng.
Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hòi sự vận động chuyển mình liên tục từ các chỉ đạo từ trên xuống dưới, sự trang bị cơ sở kỹ thuật đồng bộ cùng với nền tảng pháp lý căn bản tương ứng.
Để có được sự thành công trong chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế, hải quan với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan.
Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/buoc-tien-cua-nganh-tai-chinh-trong-chuyen-doi-so-a634869.html