noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểmBộ Xây dựng chỉ ra "lỗ hổng" trong công tác phòng cháy...

    Bộ Xây dựng chỉ ra “lỗ hổng” trong công tác phòng cháy chữa cháy

    Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn về phòng cháy chữa cháy còn chưa nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.

    Ngày 10/5, Bộ Xây dựng đã có báo cáo 103/BC-BXD báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy.

    Hiện nay, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình thường xuyên được sử dụng (không bao gồm các tiêu chuẩn thử nghiệm và các tiêu chuẩn ít sử dụng), gồm có 9 quy chuẩn, 25 tiêu chuân về nhà và công trình và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

    Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên được biên soạn và ban hành bởi các Bộ Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.

    “Nhìn chung, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy tại Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn nếu so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, một số lĩnh vực chuyên sâu khác có thể áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài”, Bộ Xây dựng đánh giá.

    Về nội dung, các quy chuẩn, tiêu chuẩn thế hệ mới được ban hành trong năm 2022, 2023 đã có những điều chỉnh, bổ sung cơ bản phù hợp với tình hình hoạt động xây dựng thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu, hoàn thiện trong công tác biên soạn, ban hành quy chuẩn và công bố các tiêu chuẩn.

    Quyết định số 390/QĐ-BXD ngày 12/05/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Định hướng và Kế hoạch biên soạn, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng đến năm 2030 (thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng) đã có kế hoạch cụ thể về việc soát xét, biên soạn mới các tiêu chuẩn ngành xây dựng nói chung và các tiêu chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình nói riêng.

    Theo Bộ Xây dựng, kể từ khi QCVN 06:2010/BXD được ban hành, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khác, theo các số liệu thống kê, các công trình tuân thủ quy chuẩn thường ít cháy lớn, và khi có sự cố cháy lớn thường có ít người bị thương vong hơn.

    Theo thống kê 10 năm từ 2012-2022 của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an: số vụ cháy lớn chiếm khoảng 0,8-1,6% tổng số vụ cháy hàng năm. Thiệt hại tài sản chiếm khoảng 69-86% tổng thiệt hại hàng năm. Nhưng, số người tử vong chỉ chiếm khoảng 0-1%. Cá biệt có những vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người do vi phạm các quy định PCCC: cháy karaoke Trần Thái Tông-Hà Nội (2016) chết 13 người, cháy karaoke An Phú – Bình Dương (2022) chết 32 người.

    Chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số lượng vụ cháy và số người thương vong thường là các đối tượng nhà nhỏ, kết hợp sản xuất kinh doanh, thường không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC và thường thuộc đối tượng không phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC .

    Theo số liệu thống kê 10 năm 2012-2022 của Bộ Công an, đối tượng này chiếm tỉ lệ từ 42-60% tổng số vụ cháy nhà và công trình hàng năm, tỉ lệ thương vong về người chiếm ước lượng 70-90% tổng số.

    “Mặc dù còn tồn tại một số ý kiến đánh giá chưa thực sự tích cực về các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC nhìn từ góc độ kinh tế, tuy nhiên, xét về góc độ an toàn đối với tính mạng con người, QCVN 06 nói riêng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy nói chung đã thể hiện vai trò, ý nghĩa không thể thay thế”, Bộ Xây dựng đánh giá.

    Dù vậy, qua công tác nắm bắt thực tiễn, đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, Bộ Xây dựng nhận thấy công tác phòng cháy chữa cháy vẫn còn nhiều thách thức.

    Đơn cử như việc các công trình hiện hữu có vi phạm về phòng cháy chữa cháy được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022 có hiệu lực), mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý. Trong khi, theo các công văn của một số địa phương thì vẫn có việc áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu.

    Đáng chú ý, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ trọng lớn (66,2%). Khi công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm.

    Bộ Xây dựng cho rằng vấn đề trên cần được lưu ý và có giải pháp hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân hiễu, có ý thức tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC tương ứng ngay từ khâu thiết kế, tránh để tình trạng công trình xây xong rồi khó khắc phục, sửa chữa.

    “Nếu không, sau 5-10 năm tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lại phải bàn phương án tháo gỡ cho các công trình vi phạm”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

    Mặt khác, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2001 đến nay, có khoảng 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư còn hạn chế.

    Đối với các công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới, mặc dù Nghị định 136/2020/NĐ-CP và các quy chuẩn có quy định về các điều khoản chuyển tiếp và thời hạn có hiệu lực rất rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã được góp ý hoặc thẩm duyệt theo quy định tại thời điểm nào thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm đó, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp sử dụng quy chuẩn mới cho các công trình đã được thiết kế và góp ý hoặc thẩm duyệt trước đó.

    Đối với các tiêu chuẩn về PCCC (bắt buộc áp dụng) thì không có điều khoản chuyến tiếp, và có hiệu lực ngay khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/QH11/2006 và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan). Quy định này cũng tạo ra những vướng mắc, khó khăn nhất định trong việc chuyển tiếp của các công trình, dự án. Về lâu dài, cần điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng không bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn về PCCC theo Luật PCCC 2001, Luật PCCC sửa đổi 2013 và cho phép các tiêu chuẩn cũng có điều khoản chuyến tiếp, có thời hạn có hiệu lực.

    Ngoài ra, qua các phương tiện truyền thông, các văn bản của các địa phương, một số công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về Quy chuẩn 06, có thể tổng hợp một số vấn đề chủ yếu sau: sơn chống cháy; giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái; vật liệu hoàn thiện; cải tạo sửa chữa; Yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quá cao.

    “Phân tích các khó khăn, vướng mắc nêu trên cho thấy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06:2022/BXD nói riêng. Tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai. Và có những nội dung dù đã được quy định từ lâu, nhưng không được quan tâm, đến nay khi tăng cường quản lý về PCCC mới nhận thức được, cho thấy còn hạn chế nhất định về sự nắm bắt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn”, Bộ Xây dựng nhận định.

    Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ Xây dựng cho rằng cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ như: Sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, tập trung một đầu mối để thực hiện pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

    Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó, để đảm bảo sự chuyến tiếp ổn định, thống nhất trên cả nước.

    Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ phương án: Bộ Công an chủ trì, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương phối hợp rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; các tồn tại, vi phạm về PCCC.

    Bộ Công an phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các nhóm giải pháp tăng cường, bổ sung về PCCC cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với các nhóm giải pháp với từng loại công trình.

    Ở phương án này, Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn cơ sở có tồn tại về PCCC thực hiện giải pháp tăng cường, bổ sung căn cứ trên điều kiện, tình huống cụ thể của cơ sở; hướng dẫn các cơ sở và cơ quan quản lý theo phân quyền thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát về PCCC để các cơ sở sớm được khai thác sử dụng trở lại.

    Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Công an và các bộ ngành, địa phương phối hợp tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình; kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn.

    Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì đề xuất sửa đổi quy định về hiệu lực của các tiêu chuẩn theo hướng tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn cũ (không hủy bỏ tiêu chuẩn cũ); có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cập nhật, sửa đổi quy chuẩn theo hướng cho phép chỉ sửa đổi một số nội dung mà không phải ban hành phiên bản quy chuẩn mới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Xây dựng, Bộ Công an phối hợp nghiên cứu xây dựng chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về an toàn cháy cho nhà và công trình trong các trường đai học, cao đẳng về xây dựng, kiến trúc..

    Tuệ Minh

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU