5 nguyên nhân ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế
Giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế đang đứng trước rất nhiều thách thức, cả trong và ngoài nước.
Nhìn nhận tình hình kết quả đầu năm 2023, Bộ trưởng chỉ ra loạt nguyên nhân, trong đó từ cuối năm 2022 tình hình đã trở nên rất phức tạp, rất khó khăn.
Ông cho biết Chính phủ đã nhận diện hết các tình hình, có biện pháp, quyết sách để đối phó. Bộ trưởng cũng giải thích về các vấn đề được đại biểu đặt câu hỏi về hệ thống pháp luật cho đến năng lực của nền kinh tế.
“Chúng ta đang là nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, do vậy hệ thống pháp luật của chúng ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện”, Bộ trưởng nói.
Theo dẫn chứng của tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư, các nước phát triển khác người ta có hàng trăm hệ thống pháp luật đã hoàn thiện. Trong khi chúng ta bây giờ mới đang trong quá trình chuyển đổi “thì chuyện có vấn này, vấn đề kia, mâu thuẫn chồng chéo hay xung đột hay chưa đồng bộ, chưa đầy đủ là chuyện bình thường”.
“Quan trọng là chúng ta phải phát hiện kịp thời và kịp thời điều chỉnh, kịp thời bổ sung làm sao cho phù hợp với thực tiễn”, ông Dũng nhìn nhận.
Tiếp đến là năng lực chống chịu, thích ứng và đối phó trước biến động bên ngoài cũng như năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế khi độ mở cao.
Nguyên nhân thứ 3 là hậu quả của dịch Covid-19 để lại rất nặng nề. Các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua, năng lực đã bị bào mòn đáng kể thì nay còn bị tác động bởi nhiều yếu tố mới.
Thứ 4 là quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây. Các hoạt động kinh tế, các thị trường phát triển nhanh, đa dạng, liên kết chặt chẽ với nhau ảnh hưởng tác động đến nhau nhiều hơn.
Nguyên nhân cuối cùng, theo Bộ trưởng là một bộ phận cán bộ đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu nói nhiều tại phiên thảo luận hôm qua và sáng nay.
Đã phân cấp, phân quyền triệt để đầu tư công
Theo Bộ trưởng, kết quả tăng trưởng của quý I đạt 3,32% chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao, song đây cũng là một kết quả tích cực so với các nước hiện nay trên thế giới tăng trưởng rất thấp hoặc có tăng trưởng âm.
Ví dụ như Mỹ tăng trưởng có 1,1% hay là EU 1,3%, Nhật Bản 1,3%, Thái Lan là 2,7%. Cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đánh giá tích cực môi trường đầu tư của chúng ta và triển vọng kinh tế của Việt Nam.
“Quan trọng hơn cả là chúng ta vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được đảm bảo, nhất là thị trường dịch vụ và du lịch phục hồi rất mạnh, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được quan tâm và giữ vững”, Bộ trưởng Dũng nêu.
Điểm qua một số về một số vấn đề nổi cộm như chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành văn bản hướng dẫn đã đầy đủ. Ông tin rằng sắp tới Chính phủ sẽ chỉ đạo để giải ngân nhanh nguồn vốn này.
Về hình khó khăn của doanh nghiệp và lao động, Bộ trưởng cho biết vấn đề tập trung vào 3 nhóm là: thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh.
“Chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường của chúng ta cũng còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động”, ông Dũng nói và nhấn mạnh đây là vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Theo đó, trong thời gian qua đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động để hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Về đầu tư công – vấn đề được đại biểu nêu nhiều, Bộ trưởng khẳng định trước Quốc hội một lần nữa là “đến nay tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương, từ khâu lựa chọn dự án, đến lập dự án, đến chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công”.
Ông Dũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát.
Giải thích về việc tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia thì triển khai tốt, tỉ lệ cao, mà địa phương khác, ngành khác tỉ lệ lại thấp, Bộ trưởng chỉ ra đó chính là vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
“Do vậy chúng tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế”, Bộ trưởng bày tỏ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-kh-dt-khang-dinh-mot-lan-nua-ve-phan-cap-dau-tu-cong-a610634.html