Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.
Mục tiêu xây dựng dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi)
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003. Từ đó đến nay, Luật thuế TNDN đã qua 02 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013 và năm 2014 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kể từ khi ban hành đến nay, các nội dung của Luật thuế TNDN và các Luật sửa đổi, bổ sung đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn, việc hoàn thiện, xây dựng một hệ thống chính sách đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, làm động lực thúc đẩy sự phát triển cho các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế khác đòi hỏi Luật thuế TNDN hiện hành cần được nghiên cứu, rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung.
Việc xây dựng Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) nhằm mục tiêu chung là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với xu hướng cải cách thuế TNDN của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Về mục tiêu cụ thể, Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) hướng đến mục tiêu cụ thể là góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, hỗ trợ DN mở rộng sản xuất, kinh doanh; rà soát, sắp xếp lại chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước. Thực hiện ưu đãi thuế TNDN đối với DN có quy mô nhỏ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN để nuôi dưỡng và tạo nguồn thu ổn định trong tương lai.
Đồng thời mở rộng cơ sở thuế, sửa đổi, bổ sung một số quy định để chống gian lận, chống thất thu thuế TNDN, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của Luật, góp phần tham gia hiệu quả các sáng kiến, diễn đàn quốc tế về thuế.
Một số hạn chế nhất định cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung
Sau nhiều năm áp dụng thực thi trên thực tế, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, sự phát triển của nền kinh tế nội địa ngày càng lớn, tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, đời sống, xã hội.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và tăng cường hội nhập quốc tế đã xuất hiện nhiều các nhân tố mới, các nhu cầu mới như các hình thức giao dịch thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh các ngành nghề dựa trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế chia sẻ; các mô hình kinh doanh mới liên tục xuất hiện đòi hỏi cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật thuế TNDN cho phù hợp.
Ngoài ra, với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay và dự báo xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế TNDN cũng đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TNDN, bao gồm các quy định về thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ và về chính sách ưu đãi thuế TNDN.
Lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian qua có xu hướng mở rộng trong khi một số lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích lại chưa có chính sách ưu đãi (như ưu đãi thuế cho DN có quy mô nhỏ, DN khởi nghiệp, DN khoa học và công nghệ,…).
Những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới làm ảnh hưởng tới nội dung, kết cấu của Luật thuế TNDN như Luật Đầu tư 2020, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV)… có các nội dung liên quan đến ưu đãi thuế cho DN có quy mô nhỏ, DN khởi nghiệp, DN khoa học và công nghệ,…
Đồng thời, các quy định về điều kiện, nguyên tắc áp dụng và chuyển tiếp ưu đãi thuế cũng đang phát sinh vướng mắc và có sự chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật đòi hỏi cần phải rà soát, hoàn thiện các quy định của Luật Thuế TNDN cho phù hợp.
Để đạt được các mục tiêu sửa đổi Luật Thuế TNDN nêu trên, đề xuất sửa đổi Luật thuế TNDN sẽ tập trung giải quyết 4 nhóm chính sách lớn.
Thứ nhất, mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật Thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.;
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.
Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Cụ thể, Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), trình UBTV Quốc hội để UBTV Quốc hội báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế TNDN (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).
Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024).
Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-se-sua-luat-thue-tndn-de-ho-tro-mo-rong-san-xuat-kinh-do-a601683.html