Bộ Tư pháp vừa đăng tải tài liệu họp thẩm định về đề nghị xây dựng dự thảo luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Luật này do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ game online và nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sữa, nước khoáng thiên nhiên sẽ không phải chịu thuế TTĐB
Về bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB có 74 ý kiên nhất trí và có 26 ý kiến khác.
Hội lương thực thực phẩm Tp. HCM; Hiệp hội Sữa; Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam; Cục thuế tỉnh Lâm Đồng; Cục thuế Tp. cần Thơ; Amcham đề nghị chưa đưa mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế.
Một số ý kiến đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa (Hiệp hội Sữa), đồ uống có giá trị dinh dưỡng (Bộ VHTTDL); cân nhấc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao (Bộ Y tế, Bộ Công an); quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật (Cục thuế tỉnh Nam Định; Cục thuế tỉnh Tiền Giang; Thanh tra Chính phủ; Eurocham; Hội Tư vấn thuế Việt Nam; Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi; UBND tỉnh Hoà Bình; Cục thuế Tp. HCM; Cục thuế tỉnh Bắc Ninh; Bộ NNPTNT; Cục thuế tỉnh Bình Định; Bộ KHĐT; UBNĐ tỉnh Quảng Nam; Bộ VHTTDL; Bộ Công an; Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh; Công ty PwC).
Theo nội dung tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính, việc bổ sung thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Tác hại của mặt hàng đồ uống có đường đến sức khỏe con người (thể chất và tinh thần) đã được các tổ chức quốc tế về y tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và Bộ Y tế đưa ra tài liệu chứng minh và các tổ chức này đều khuyến nghị áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ là giải pháp góp phần giảm tiêu dùng sản phẩm này.
Theo số liệu của WHO, hiện nay đã có khoảng 85 quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với đồ uống có đường và việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường đã mang lại hiệu quả (Mexico sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB các hộ gia đình đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ đô la Mỹ; Thái Lan sau 2 năm áp dụng thuế TTĐB, lượng tiêu thụ đồ uống có đường trung bình hàng ngày giảm 2,8% và một số công ty đã công bố kế hoạch từng bước cải tổ sản phẩm theo hướng giảm lượng đường).
Theo thông tin của Viện dinh dưỡng, tại Việt Nam tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.
Từ những lý do trên, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Về đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao, quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật, Bộ Tài chính cho biết, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê, và nước giải khát có chứa nước trải cây.
Sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải là nước giải khát theo TCVN 12828:2019 và là hàng hóa phục vụ cho mục đích dinh dưỡng cho sức khỏe con người.
Để tránh trường hợp doanh nghiệp tiếp tục có kiến nghị đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến tham gia theo hướng sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như: sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.
Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng thấp, tham khảo kinh nghiệm của các nước, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế TTĐB đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.
Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất áp thuế TTĐB với game online
Về bổ sung kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhận được 90 ý kiến nhất trí và có 10 ý kiến khác (Bộ TT&TT, Bộ VHTTDL, Công ty VNG; Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, Thanh tra Chính phủ; Bộ GTVT; Bộ Công an; UBND tỉnh Khánh Hoà; Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh; Bộ Ngoại giao) đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá tác động thêm, bổ sung tính thuyết phục hơn hoặc đề nghị không đưa game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì 4 lý do.
Thứ nhất, game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển nêu tại Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, Quyết định số 749/QĐ-TTg về Chương trình chuyền đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam: có 5/10 top 10 doanh nghiệp phát hành game lớn nhất trong khu vực là doanh nghiệp Việt Nam. Doanh thu năm 2022 của khu vực Đông Nam Á là 4,5 tỷ đô la Mỹ, trong đó doanh thu tại Việt Nam là 507 triệu đô la Mỹ.
Thứ ba, sẽ có sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng khi người chơi sẽ chọn những trò chơi được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ tư, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam di chuyển trụ sờ chính ra nước ngoài.
Giải trình về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thân – Bệnh viện Bạch Mai, bên cạnh những tác động tích cực, trò chơi điện từ trên mạng cũng có tác động tiêu cực đến người chơi đặc biệt là thanh thiếu niên: Tác động đến sức khỏe, thể chất (thừa cân, béo phì, thị lực, cơ xương khớp); tác động đến sức khỏe tâm thần (tác động đến sự phát triển tư duy, rối loạn tâm thần, trầm cảm, gây nghiện,…).
Doanh thu của ngành game online tăng trưởng khá trong các năm vừa qua: năm 2019 đạt gần 7.581 tỷ đồng, năm 2021 đạt 11.486 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến đạt 12.000 tỷ đồng.
Do vậy, cần thiết đưa “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện từ trên mạng” vào nhóm đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng, nhất là đối với thanh thiếu niên cũng như mở rộng nguồn thu mới cho NSNN.
Về ý kiến cho rằng, việc bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB sẽ có sự dịch chuyển hành vi tiêu dùng khi người chơi sẽ chọn những trò chơi được cung cấp bởi các doanh nghiệp nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam di chuyến trụ sở chính ra nước ngoài, theo Bộ TT&TT, game online cung cấp tại Việt Nam phải do doanh nghiệp trong nước phát hành. Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp muốn kinh doanh game online phải đáp ứng điều kiện doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam và được cấp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trường hợp doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp game online tại Việt Nam bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với doanh nghiệp cung cấp game online không được cấp phép (được coi là game lậu). Bộ TT&TT cần tăng cường quản lý và có biện pháp phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát gỡ bỏ các game lậu.
Hiện nay, chưa có chính sách thuế TTĐB đối với kinh doanh game online, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lựa chọn đóng trụ sở chính ở ngoài nước ngoài để sản xuất game. Có nhiều yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn đầu tư ở nước ngoài của doanh nghiệp như danh tiếng, vị thế công ty ở nước ngoài sẽ tốt hơn, thủ tục hành chính… Vì vậy, ý kiến cho rằng áp dụng chính sách thuế TTĐB sẽ khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp.
Do vậy, Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất bổ sung “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng được cấp phép tại Việt Nam theo quỵ định của pháp luật” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc quản lý các game bất hợp pháp cần thiết phải có sự tăng cường quản lý của các Bộ chuyên ngành, Bộ TT&TT cần tập trung triển khai cải cách thủ tục cấp phép để thu hút.
Bổ sung các sản phẩm thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB
Về bổ sung các sản phẩm thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB nhận được 93 ý kiến nhất trí và 7 ý kiến khác như sau: Bộ Y tê, Bộ Công an, Tổ chức nhịp cầu sức khỏe đề nghị không đưa hoặc cần cân nhắc việc đưa mặt hàng thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế TTĐB do hiện nay mặt hàng này đang bị cấm, dễ dẫn đến cách hiểu Luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ hợp pháp hóa mặt hàng này. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ về việc không cho phép thí điểm mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam vì những hệ lụy đối với sức khỏe, xã hội, môi trường, tác động tiêu cực đối với người sử dụng đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh sinh viên.
Công ty thuốc lá BAT; Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đề nghị không áp dụng thuế đối với thiết bị, chỉ đánh thuế đối với dung dịch, điếu thuốc.
Cục thuế Tp. HCM, Bộ KHĐT có ý kiến về quy định thuốc lá mới, giải thích từ ngữ để làm rõ nội hàm của từ “thuốc lá mới”.
Theo nội dung giải trình của Bộ Tài chính, tác hại của mặt hàng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử) đến sức khỏe con người đã được Bộ Y tế và tổ chức y tế Thế giới đưa ra các tài liệu chứng minh. Mặt hàng này hiện nay không được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và tiêu dùng tại Việt Nam tuy nhiên vẫn đang được thanh thiếu niên sử dụng ngày càng phổ biến.
Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ đề xuất bổ sung mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất tương tự thuốc lá truyền thống và chỉ áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng này trong trường hợp mặt hàng được phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tại Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 và Nghị định 106/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) về kinh doanh thuốc lá, trong đó có nội dung thí điểm kinh doanh thuốc lá mới tại Việt Nam. Trường hợp mặt hàng này được phép kinh doanh thí điểm nhưng chưa có quy định về thuế đối với thuốc lá mới thì sẽ không hạn chế và định hướng kịp thời việc tiêu dùng mặt hàng này.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị giữ như nội dung đề xuất tại dự thảo Tờ trình Chính phủ.
Về nội dung quy định cụ thể về các loại sản phẩm thuốc lá mới, cách đánh thuế với các bộ phận, thiết bị của thuốc lá mới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để quy định phù hợp sau khi Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật thuế TTĐB.
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-giu-nguyen-de-xuat-ap-thue-ttdb-voi-game-online-a607490.html