Trong văn bản Bộ GD&ĐT trả lời những kiến nghị của cử tri Tp.Hồ Chí Minh gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thông tin về những vấn đề liên quan đến có nên để các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không?
Giữ ổn định các kỳ thi như hiện nay
Cụ thể, cử tri kiến nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì hiện nay bằng tốt nghiệp trung học phổ thông rất phổ biến nhưng thực tế không có nhiều ý nghĩa, mỗi năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.
Tuy nhiên, trả lời vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho rằng nhìn lại quá trình giáo dục ở bậc phổ thông nước ta hiện nay, chúng ta không có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và trung học cơ sở, chỉ khi kết thúc lớp 12 thì mới tổ chức kỳ thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết để đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.
Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tỉ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.
Việc phân hóa này rất có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao (không có điểm dừng của chất lượng giáo dục). Thêm nữa, nếu không tổ chức một kỳ thi kết thúc bậc học trung học phổ thông sẽ không tạo động lực học tập tích cực, thậm chí sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh phổ thông, nhất là học sinh các lớp trung học phổ thông không học (không thi, không học).
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ GDĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi. Đối với cách thi này UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương, thực hiện tất cả các khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Bộ GD&ĐT xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là khâu đột phá, tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia thực hiện theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Đặc biệt vẫn lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy học giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi để tuyển sinh trên tinh thần tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, triển khai xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm đúng định hướng xuyên suốt, thống nhất về đánh giá kết quả giáo dục của Chương trình GDPT 2018.
Cung cấp thông tin chính xác, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các bên liên quan tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác.
Vẫn lúng túng do lần đầu triển khai
Đối với triển khai Chương trình GDPT 2018, cử tri cũng cho rằng hiện nay thực hiện cải cách giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng như sách giáo khoa để cho học sinh lớp 10 chọn tổ hợp các môn, chương trình giáo dục theo sách giáo khoa mới chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dạy, người học và phụ huynh.
Về việc này, Bộ GD&ĐT cho rằng đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một vấn đề lớn, đây là lần đầu tiên thực hiện. Đồng thời cũng là lần đầu tiên thực hiện việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa nên việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ban đầu không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với lớp 10, học sinh được lựa chọn các môn học bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, trong quá trình thực hiện, chú trọng tiếp thu các phản ánh của giáo viên, học sinh, phụ huynh để có những giải pháp thích hợp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-gddt-noi-ve-de-nghi-dia-phuong-tu-chu-thi-tot-nghiep-thpt-a594073.html