Chương trình GDPT 2018 được đánh giá là một bước tiến thay đổi căn bản, toàn diện việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo hướng hiện đại. Nhưng công cuộc đổi mới chưa bao giờ là dễ dàng. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, thì trước hết, phải đổi mới căn bản, toàn diện tư duy. Làm cái mới với tư duy cũ thì không thể thành công.
Xã hội hoá giáo dục không dừng lại ở 3 bộ sách
Người Đưa Tin (NĐT): Sau 3 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, với tư cách là Tổng chủ biên của chương trình ông đánh giá về những thành tựu và hạn chế của chúng ta để đã đáp ứng mục tiêu đổi mới GDPT là gì?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Phải khẳng định một trong những thành công của ngành giáo dục trong việc triển khai Nghị quyết 29 là đã xây dựng và ban hành được Chương trình GDPT mới về cơ bản phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nước ta.
Nhìn lại lịch sử, nước ta từng thực hiện 3 cuộc Cải cách giáo dục và 2 lần đổi mới Chương trình GDPT.
Cuộc cải cách lần thứ nhất diễn ra vào năm 1950. Vì lúc đó đang kháng chiến, không có nhiều thời gian nên chủ yếu dạy học dựa vào chương trình Hoàng Xuân Hãn viết trước Cách mạng, bỏ bớt một số nội dung như Cổ sử, Văn học cổ, Nữ công gia chánh,… và bổ sung môn Giáo dục chính trị.
Đến năm 1956, chúng ta thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2 cũng không kịp làm chương trình mà chủ yếu dựa vào chương trình cũ, sửa sang lại. Cải cách giáo dục lần thứ 3, năm 1979, sau khi nước nhà thống nhất được 3 năm, cũng chưa ban hành được chương trình mới.
Chỉ đến lần đổi mới giáo dục sau năm 2000, chúng ta mới có chương trình GDPT, nhưng lúc đó có 3 ban biên soạn chương trình, mỗi ban biên soạn chương trình chịu trách nhiệm 1 cấp học và gần như 3 ban không có liên hệ với nhau, trừ một vài trường hợp có người tham gia cả 2 ban. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký duyệt chương trình từng cấp vào những thời gian khác nhau. Đến năm 2006, chương trình của ba cấp học được thống nhất lại và được gọi là Chương trình GDPT 2006.
Sang Chương trình GDPT 2018, cách làm của Bộ GD&ĐT đã bài bản hơn. Những công việc nghiên cứu ban đầu được giao cho Viện Khoa học giáo dục từ năm 2011. Đến năm 2013, Bộ GD&ĐT thành lập Bộ phận thường trực của Ban soạn thảo chương trình mới do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đứng đầu.
Sau quá trình nghiên cứu, Bộ phận thường trực này với sự cộng tác của nhiều chuyên gia đã biên soạn được và công bố dự thảo Chương trình GDPT tổng thể (chưa có chương trình của các môn học).
Tuy nhiên, dự thảo Chương trình tổng thể công bố vào tháng 8/2015 cũng gặp phản ứng của dư luận. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là hiểu nhầm liên quan đến các môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh và Lịch sử. Đến tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT mới thành lập được Ban soạn thảo mới.
Ban soạn thảo chúng tôi phải làm việc hết sức khẩn trương để hoàn thành chương trình. Có nhiều vấn đề khá căn bản phải giải quyết, đó là các khái niệm “phẩm chất”, “năng lực” và các phẩm chất, năng lực cụ thể cần hình thành, phát triển ở học sinh; việc học 2 buổi/ngày ở Tiểu học; việc xây dựng các môn học tích hợp ở THCS và dạy học phân hoá để thực hiện giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT, “bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
Đây đều là các yêu cầu đổi mới đặt ra trong Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ. Một khó khăn nữa là lộ trình thực hiện.
Nghị quyết 88 quy định: “Từ năm học 2018 – 2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông”, nghĩa là ngay năm đầu tiên đã phải triển khai Chương trình mới ở cả lớp 1, lớp 6 và lớp 10; sau đó mỗi năm thực hiện đổi mới ở cả ba cấp học.
Điều này không làm nổi vì khó nhất là địa phương không kịp giải quyết các vấn đề tài chính, nhân lực để cùng lúc thực hiện đổi mới cả 3 cấp học. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã ra Nghị quyết 51 sửa đổi lộ trình này phù hợp hơn; cụ thể là năm học đầu tiên chỉ triển khai Chương trình mới ở lớp 1; sau đó mỗi năm chỉ thêm 1 lớp ở một cấp.
Cho đến nay, Chương trình mới đã được triển khai ở 9 lớp học thuộc ba cấp; bản mẫu SGK của các lớp cuối cùng (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) cũng đã được thẩm định xong vòng 1. Từ hồi làm chương trình và triển khai đến giờ, có thể có những trục trặc nhỏ ở bộ phận này bộ phận kia, ở quyển sách này quyển sách khác, nhưng cơ bản là Chương trình GDPT mới đã đi vào thực tế, mọi việc đang ổn định và chương trình này đang phát huy hiệu quả.
NĐT: Đến nay, người ta vẫn còn tranh cãi về vị trí, vai trò của sách giáo khoa trong Chương trình GDPT 2018. Phải chăng đã đến lúc không nên đặt nặng tầm quan trọng của sách giáo khoa, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 88 đã nêu rất rõ chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa. Khác với trước kia, giờ đây, chỉ có chương trình mới là văn bản quy phạm pháp luật, sách giáo khoa chỉ là học liệu. Theo đúng lời văn và tinh thần của Nghị quyết 88, không có bộ sách “chuẩn”, mà chỉ có Chương trình GDPT là “chuẩn”, các bộ sách đều phải đáp ứng “chuẩn của Chương trình”.
Cho rằng phải có một bộ sách giáo khoa chuẩn là quan niệm quá lạc hậu, không có nước nào thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” quan niệm như thế cả. Trong tương lai, nếu một tổ chức, tập thể giáo viên nào có thể rút kinh nghiệm từ sách giáo khoa hiện hành, viết 1 quyển sách giáo khoa mới, phù hợp với học sinh hơn thì quyển sách đó vẫn được thẩm định, phê duyệt và sử dụng. Đó mới là xã hội hoá và đổi mới. Cái sau tốt hơn các trước, chúng ta phải ủng hộ.
Ở các nước phát triển, người ta đều thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” và không có Chính phủ nước nào đứng ra làm sách. Giáo viên cũng tự soạn sách giáo khoa, thậm chí trong một lớp, giáo viên có thể sử dụng 2-3 quyển sách giáo khoa khác nhau: bài 1 có thể dạy theo quyển sách A, bài 2 dạy theo quyển sách B, miễn là thấy phù hợp. Thầy giáo, cô giáo tự quyết định việc này, cốt làm sao để giúp học sinh của họ đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Lào, Campuchia cũng đã thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa. Trong tương lai chúng ta hoàn toàn có thể làm như nước ngoài, trong lớp, thư viện trang bị cho học sinh 1-2 bộ sách để giáo viên có thể linh động chọn.
Ở nước ta, không phải thầy cô không có đủ trình độ để tự quyết định nhưng từ xưa đến nay, các thầy cô đều được “cầm tay chỉ việc”, nên cứ phải nhất nhất theo từng chữ trong sách giáo khoa. Vì chỉ có một bộ sách giáo khoa nên thi theo bộ sách ấy và học sinh càng thuộc sách thì khả năng đỗ đạt càng cao. Học hành như vậy thì làm sao mà sáng tạo được!
Bây giờ, cả thầy cô lẫn học trò phải thay đổi cách dạy cách học đó. Nghị quyết 29 đưa ra tư tưởng dân chủ nhưng giáo viên phải tuân theo từng chữ của bộ sách giáo khoa thì làm sao được gọi là dân chủ? Dĩ nhiên, dân chủ phải đi đôi với pháp luật. Pháp luật ở đây chính là Chương trình; còn mỗi quyển sách giáo khoa chỉ là một văn bản để giáo viên lựa chọn.
Đổi mới giáo dục: Bàn tiến, không bàn lùi
NĐT: Thầy đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT phải xuất bản thêm một bộ sách giáo khoa, việc này sẽ ảnh hưởng gì đến bối cảnh xã hội hoá giáo dục như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Trước khi quyết định một vấn đề thì chúng ta phải xoá tan những đám hoả mù vô tình hoặc hữu ý bao phủ lên đối tượng để thấy rõ sự thật.
Có người lo rằng để doanh nghiệp làm sách, liệu có đảm bảo an ninh chính trị – tư tưởng hay không? Lo lắng này không có cơ sở, vì sách được biên soạn theo Chương trình của Bộ GD&ĐT, có hội đồng thẩm định và được Bộ trưởng phê duyệt trước khi phát hành. Bên cạnh đó, tất cả sách, dù do tổ chức, cá nhân nào biên soạn, cũng đều phải được các nhà xuất bản duyệt mới được xuất bản và phát hành.
Có người lại lo rằng xã hội hoá thì có bảo đảm an toàn trong khâu phân phối sản phẩm không? Thực tế cho thấy, suốt 4 năm nay, chưa có đơn vị xuất bản nào không cung cấp đủ sách giáo khoa cho các trường. Cung cấp sách giáo khoa đủ cho người tiêu dùng là quyền lợi của đơn vị xuất bản sách. Cho nên, không đơn vị nào lại dại dột để người tiêu dùng không mua được sách giáo khoa.
Lại có người cho rằng rất khó kiểm soát giá sách giáo khoa, nếu không có một bộ sách “của Nhà nước”. Nhưng lo lắng này là không thực tế vì Luật Giá vừa được Quốc hội sửa đổi đã đưa sách giáo khoa vào mặt hàng được Nhà nước định giá.
Nhiều khi để mù mờ thông tin thì rất khó trả lời được chính xác các câu hỏi, thông suốt thông tin mới có thể quyết định được nên làm gì.
Việc Bộ GD&ĐT viết thêm một bộ sách giáo khoa vào thời điểm này vừa không đúng pháp luật vừa không phù hợp với thực tế, sẽ chỉ làm rắc rối vấn đề, gây tốn kém, đồng thời đẩy lùi xã hội hoá giáo dục và không để làm gì.
Trước hết, việc này trái với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Giáo dục. Trong cả hai luật này, không có điều nào quy định cơ quan quản lý nhà nước có chức năng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc Bộ GD&ĐT có chức năng tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Việc dựa vào Nghị quyết 88 để biên soạn thêm “bộ sách giáo khoa của Nhà nước” lúc này cũng trái với Nghị quyết 122 của Quốc hội, trong đó quy định rõ: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.
Về thực tế, chúng ta không nói đến việc không đủ nhân lực làm khi cả 3 bộ sách đều đã lấy hết những chuyên gia đầu ngành. Chỉ biết rằng bây giờ, Bộ GD&ĐT làm bộ sách “của Nhà nước” thì ngân sách nhà nước sẽ tốn thêm 16 triệu USD (tương đương khoảng 400 tỷ đồng), chưa kể nếu như vậy chắc chắn tất cả địa phương sẽ chọn lại sách, không ai dám từ chối một bộ sáchđược mệnh danh là “của Nhà nước”. Như vậy hàng nghìn tỷ mà các nhà xuất bản, các doanh nghiệp đã bỏ ra làm sách suốt 4 năm qua sẽ thành giấy vụn.
Đó là chưa kể những vất vả và chi phí liên quan đến một quy trình lặp lại 5 năm liền: giáo viên họp bàn để lựa chọn sách, đi tập huấn hằng năm để dạy sách mới, soạn lại toàn bộ giáo án. Còn phụ huynh học sinh sẽ “kêu trời” vì lãng phí, vì “em không học được sách của anh chị” vân vân và vân vân.
Nếu theo đúng Nghị quyết 122 của Quốc hội, phải bỏ ngân sách nhà nước ra để biên soạn sách giáo khoa mà chưa có đơn vị xã hội hoá nào làm, có chăng Bộ GD&ĐT cần giao cho doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ làm một bộ sách cho trẻ em khiếm thị.
Tôi được biết, kinh phí để các thầy cô một trường dạy trẻ khiếm thị làm một quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cho học sinh là trên dưới 15 triệu đồng. Tính ra, chỉ riêng việc làm hàng nghìn quyển sách Tiếng Việt lớp 1 cho hàng nghìn trẻ khiếm thị trong cả nước dùng một năm sẽ tốn bao nhiêu tiền? Nếu chúng ta sẵn sàng chi cả 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm lại những sản phẩm đã có rồi “cho đúng Nghị quyết 88” thì sao không chi vào việc này?
Cuối cùng, tôi xin cảnh báo là việc Bộ GD&ĐT làm một bộ sách giáo khoa “của Nhà nước” lúc này sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là đẩy lùi, thậm chí xoá bỏ xã hội hoá, trái với tất cả các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Việc liên tục thay đổi chính sách như vậy sẽ làm người ta có nhận thức là môi trường đầu tư của chúng ta không ổn định. Ở đây, không chỉ các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục mà các nhà đầu tư khác họ cũng sẽ mất niềm tin.
Tôi nghĩ rằng việc can thiệp quá sâu vào việc điều hành của Chính phủ, Bộ GD&ĐT là không nên bởi nếu cứ thay đổi xoành xoạch, sẽ khó tìm được người chịu trách nhiệm.
NĐT: Phải chăng đến nay tư duy làm giáo dục của chúng ta vẫn chưa thoát được cái bóng của suy nghĩ cũ? Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần làm gì để chương trình GDPT 2018 đạt được nhiều nhất những kỳ vọng?
Ông Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta phải hiểu giáo dục và nhất quán trong đường lối, tư duy, ủng hộ những con đường mới. Nếu đẽo cày giữa đường thì việc gì cũng không thể thành công.
Viêc cần Bộ GD&ĐT làm ngay lúc này là phát huy được vai trò quản lý nhà nước để điều chỉnh những vấn đề trục trặc như việc lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương, việc tập huấn giáo viên, hướng dẫn dạy tích hợp, đổi mới phương án thi và việc đánh giá kết quả dạy, học nói chung; nếu không, rất khó thực hiện chương trình.
Thực tế hiện nay còn nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được đúng tinh thần Chương trình GDPT do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất; nhiều nơi vẫn để sĩ số học sinh trong lớp quá cao, thiếu trường, đặc biệt là thiếu trường công lập ở các khu đô thị mới.
Còn nhiều việc cần quan tâm hơn là biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Để đổi mới giáo dục, việc chúng ta phải bàn là làm sao đào tạo thế hệ trẻ thành những ông Thánh Gióng mới, chứ không nên bàn chuyện: Liệu có ông Thánh Gióng thật không?
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!
Công Luân – Mạnh Quốc – Hoa Trà
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-gddt-lam-sach-giao-khoa-cai-cach-lui-nguy-co-xoa-bo-xa-hoi-hoa-a623370.html