Đình làng Đức Thắng
Đình làng Đức Thắng tọa lạc tại ngay khu vực chợ Phan Thiết (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) về hướng Tây Bắc, nằm trên góc giao điểm giữa hai con đường Ngô Sĩ Liên và Triệu Quang Phục, với diện tích 4000m2, tường đá cao bao bọc rất trang nghiêm.
Trải qua gần 200 năm tồn tại, đứng trước sự tác động của bom đạn chiến tranh, môi trường khắc nghiệt của vùng đất ven biển và đặc biệt là quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng đình làng Đức Thắng vẫn đứng vững và bảo lưu nguyên vẹn những sắc thái kiến trúc vốn có ban đầu từ khi mới tạo dựng.
“Làng có 2 cái lệ đó là Xuân thu nhị kỳ mục đích là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân làm ăn mùa màng bội thu, sau một năm làm ăn tới lệ tế thu thì chúng tôi cúng một cái lệ để tạ thần, tạ ông bà để cho dân làng chúng tôi bình an hạnh phúc”, ông Nguyễn Tường Hưng, Phó ban tế tự nghi lễ đình làng Đức Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Tường Hưng kể, xa xưa làng, ấp nối tiếp nhau hình thành dọc theo bờ biển Phan Thiết, kéo theo nhiều giai thoại liên quan…
Người dân sau đó lập đền thờ người có công với làng là ông Trần Chất, người theo lưu truyền đã có hành động dũng cảm, vì dân. Nhân dân làng Đức Thắng đã tiến hành xây dựng đình để thờ, xây mộ, khắc bia ghi lại công đức của ông để tỏ lòng biết ơn. Khi ấy, Đình Đức Thắng lúc đầu xây dựng bằng tranh lá đơn sơ.
Những tư liệu Hán nôm khắc ghi tại đình cho biết đình làng Đức Thắng được khởi công trùng tu, xây dựng lại và hoàn thành vào đời vua Thiệu Trị.
Quần thể kiến trúc hiện nay của đình làng Đức Thắng bao gồm các cổng chính như: cổng tham quan, nhà võ ca – là nơi tổ chức múa hát các làn điệu nghệ thuật dân gian vào các dịp lễ, tết, hội hè như: hát bộ, hát múa chèo bá trạo, tòa chính diện (đình thờ thần ), gian Tiền hiền và cổng hướng Đông.
Tất cả đều được bài trí theo đúng quan niệm, tập tục dân gian truyền thống của ông cha để lại.
Đình làng Đức Thắng sử dụng lối kiến trúc dân gian tứ trụ, các nóc đình hợp lại thành hình chữ Tam gồm đình chính thờ Thành hoàng, đình thờ Tiền hiền, hậu hiền và võ ca, tất cả đều lợp mái âm dương. Riêng đình chính có thêm phần cổ lầu và tập trung nơi đây nghệ thuật trang trí và đắp nổi những bức tranh dân gian, điển tích xưa.
Nội thất đình bài trí nhiều khám thờ, liễn đối, bao lam gỗ được nghệ nhân sử dụng lối chạm lộng để thể hiện đề tài, tạo nên hình tượng “tứ linh”, cây cảnh, chim chóc sinh động.
Đình làng đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 3/8/1991.
Đình Vạn Thuỷ Tú
Lâu nay ngư dân và nhân dân địa phương quen gọi là Vạn Thủy Tú. Khởi nguyên ban đầu thì đây là ngôi đình có chức năng và ý nghĩa giống như các đình làng khác.
Khi nghề ngư ổn định và trở thành nghề kinh tế chính yếu và để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngư nghiệp, thì ngôi đình được chỉnh trang trở thành Vạn thờ Thần Nam Hải cự tộc ngọc lân (cá Voi) cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong.
Đình – Vạn mang tên Thủy Tú từ trước đến nay. Thủy có nghĩa là nước, là biển cả gắn với ngư nghiệp, Tú được hiểu như tinh tú, tiêu biểu.
Chung quy lại tên gọi Đình – Vạn Thủy Tú có nghĩa đây là nơi thờ cá Voi tiểu biểu nhất trên mọi phương diện và đại diện cho loại hình tín ngưỡng này ở tỉnh Bình Thuận.
Vạn được thiết lập vào năm Nhâm Ngọ (1762), gồm 3 nóc nhà cổ và lớn theo thứ tự: võ ca, chính điện và nhà thờ tiền hiền bố trí theo dạng hình chữ Tam, mặt chính trở về hướng đông. Đình vạn đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.
Đến tham quan, sẽ được hướng dẫn tham quan phòng trưng bày cốt ông Nam Hải – nơi lưu giữ bộ xương cá ông khổng lồ với chiều dài 22m, nặng 65 tấn, được phục dựng gần như nguyên vẹn.
Kiến trúc gỗ của 3 ngôi nhà được lắp ghép kiểu “Tứ trụ” – một kiểu kiến trúc gỗ thường thấy ở các công trình kiến trúc tôn giáo những thế kỷ trước ở Bình Thuận.
Đặc điểm của kiểu tứ trụ là 4 cột gỗ ở trung tâm to lớn vút cao, vừa có công năng chịu lực chính nâng đỡ đỉnh nóc bên trên, vừa là trung tâm liên kết chính với các vì cột – kèo phụ tỏa ra xung quanh. 3 ngôi nhà nối liền nhau trình tự trước sau gồm : Võ ca, Chính điện và Tiền vãng.
Ông Huỳnh Giác, Vạn trưởng Vạn Thủy Tú chia sẻ: Nơi đây được mọi người biết đến không phải chỉ có những giá trị thuộc về kiến trúc và văn hóa nghệ thuật như đã trình bày. Nó còn là ngôi nhà chung của cả cộng đồng ngư dân và nhân dân ở đây, là niền tin thiêng liêng ăn sâu và ký ức tâm linh của mọi người.
Đình Vạn Thủy Tú được ngư dân vùng biển coi như nơi tôn thờ Thủy tổ nghề biển, có quy mô đồ sộ, trang nghiêm trong vùng. Chưa có nơi nào có lượng sắc phong nhiều như ở đây.
Vạn Thủy Tú với những giá trị vốn có về kiến trúc nghệ thuật, về lịch sử văn hóa dân gian và hiện vật tư liệu quý. Năm 1987 Vạn Thủy Tú đã được đưa vào danh mục chế độ bảo vệ của Nhà nước”.
Đình Vạn Thủy Tú ra đời ngoài chức năng thờ cá Voi, nó còn là thiết chế văn hóa mang tính cộng đồng của ngư dân.
Hơn nữa, đình Vạn Thủy Tú là nơi tín ngưỡng ngư nghiệp ra đời sớm nhất ở tỉnh Bình Thuận, nó được coi là gốc gác và trung tâm của loại hình tín ngưỡng thờ cá Voi trong tỉnh. Trong chính điện của đình Vạn Thủy Tú có thờ Thủy Tổ ngư nghiệp, đây cũng là Thủy Tổ chung của tất cả các làng chài ở tỉnh này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-net-van-hoa-dinh-lang-o-thanh-pho-phan-thiet-a650135.html