Ngày 10/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải có văn bản gửi Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), các đơn vị quản lý vận hành cao tốc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, liên quan đến tình trạng mất an toàn giao thông trên cao tốc Vĩnh Hảo Phan Thiết – Dầu Giây.
Theo đó, hai tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác, bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc kết nối, giao thương, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng miền và giảm áp lực lưu lượng phương tiện, hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) trên tuyến Quốc lộ 1A.
Tuy nhiên, quá trình khai thác đến nay ghi nhận liên tiếp 4 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 2 người.
UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên 2 tuyến cao tốc, nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT, chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT, góp phần kéo giảm TNGT từ 5% đến 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) trong năm 2023 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (Vec-E) (đơn vị quản lý vận hành đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) và Liên danh Công ty cổ phần quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 – Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 886 – Thành Nam (đơn vị quản lý vận hành đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) quan tâm, sớm xem xét giải quyết một số kiến nghị để đảm bảo TTATGT.
UBND tỉnh đề nghị Cục CSGT bố trí thêm lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên nhằm hỗ trợ địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT, hạn chế TNGT trên 2 tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.
Vì hiện nay chưa có hệ thống camera giám sát giao thông cao tốc nên việc phát hiện, xử lý những tình huống và vi phạm về TTATGT chưa kịp thời, nhất là vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn, đi ngược chiều; dừng, đỗ xe không đúng quy định hoặc xe bị sự cố, TNGT chưa được cẩu kéo, di dời kịp thời.
Có tình trạng xe cứu hộ, bơm vá, thay vỏ xe dừng, đỗ không có cảnh báo, biển báo theo quy định… và thực tế những hành vi vi phạm trên là một trong những nguyên nhân chính gây TNGT nghiêm trọng trong thời gian qua.
Đồng thời, để hạn chế các vụ TNGT do phương tiện “đâm” vào đuôi xe ô tô đang dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy, UBND tỉnh đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát phải kịp thời phát hiện nhắc nhở, xử lý nghiêm ô tô dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định.
Kịp thời yêu cầu giải tỏa, cẩu kéo các ô tô hư hỏng dọc đường đến vị trí an toàn trên các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ.
Riêng các đơn vị quản lý, vận hành 2 đoạn cao tốc, thường xuyên tổ chức kiểm tra, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để xử lý các tình huống xe dừng đỗ, bị sự cố giữa đường.
Đồng thời, nhắc nhở các đơn vị đang thi công các hạng mục trên tuyến phải có biện pháp thi công hợp lý, có đầy đủ biển báo hiệu đang thi công, tránh rơi vãi vật liệu trên đường…góp phần đảm bảo ATGT trên 2 tuyến cao tốc.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-de-nghi-bo-cong-an-bo-tri-them-csgt-tuan-tra-tren-cao-toc-a621146.html