Diễn đàn có sự tham gia của gần 360 đại biểu trong nước và quốc tế.
Trong đó, có hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu EuroCham (với 27 quốc gia thành viên đến từ khối Liên minh châu Âu) như: Heineken, De Heus, Big Dutchman…và 21 phái đoàn ngoại giao đến từ đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và hiệp hội các doanh nghiệp đến các nước như: Ả Rập Saudi, Australia, Bồ Đào Nha, Brunei, Canada, Đan Mạch, Hungary, Italia, Malaysia…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – bà Trần Tuệ Hiền cho biết, diễn đàn là cơ hội để tỉnh Bình Phước giới thiệu tiềm năng, chính sách ưu đãi, giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thông tin với nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh có hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, ĐT.741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư.
Dự kiến cuối năm 2026 sẽ hoàn thành đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh, – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), rút ngắn khoảng cách từ Bình Phước tới thành phố Hồ Chí Minh, còn khoảng 70km và rút ngắn thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Tương lai có đường sắt Xuyên Á đi qua, hứa hẹn tạo cú hích cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về thủ tục hành chính, có trên 80% thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết trên cổng dịch vụ công trực tuyến và kết nối trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần làm trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh để được hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại chỗ.
Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn chỉ còn 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.
Công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, với mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp; chỉ số PCI của tỉnh ngày càng được cải thiện đáng kể; công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả.
Khi đầu tư vào tỉnh Bình Phước, nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, về miễn giảm tiền thuê đất theo khung quy định của Chính phủ Việt Nam; được hỗ trợ kết nối cơ sở hạ tầng đến ranh phạm vi dự án; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin…
“Với nền tảng 4 tốt đó là “hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt, Bình Phước xác định mục tiêu hướng đến là đáp ứng tốt nhất các nhu cầu phục vụ, làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến với tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp EuroCham”, bà Hiền khẳng định trước đông đảo các nhà đầu tư.
Đánh giá về tiềm năng của tỉnh Bình Phước, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, tỉnh Bình Phước có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực.
Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, tỉnh Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
Hơn nữa, khí hậu thuận lợi càng khẳng định Bình Phước là ứng cử viên lý tưởng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, phù hợp với Quy hoạch điện VIII và thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực chon tỉnh Bình Phước.
Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, tỉnh Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU.
“Tôi thực sự có thể cảm nhận năng lượng và nhiệt huyết được lan tỏa từ mọi người. EuroCham rất vinh dự được có mặt ở đây cùng với tất cả quý vị, với tư cách là những nhà đổi mới và những người tạo ra sự thay đổi để cùng nhau định hình tương lai của nền kinh tế Bình Phước”, ông Gabor Fluit nói tại hội nghị.
Diễn đàn không chỉ thu hút các doanh nghiệp châu Âu mà còn nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, những năm gần đây, tỉnh Bình Phước đã tạo được lực hút rất lớn trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế, thu hút FDI của Bình Phước vẫn chưa thể sánh kịp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh,, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Trong những lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, chúng tôi nhận thấy khát vọng và mong muốn đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương là rất lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hoá những tiềm năng, lợi thế thành những con số cụ thể, chắc chắn phải cần có sự gặp gỡ, đối thoại và xúc tiến các hoạt động đầu tư để có được tiếng nói chung, nhìn về một hướng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, đã có nhiều tham luận về các vấn đề liên quan đến đầu tư FDI, phát triển xanh, nông nghiệp số… được các chuyên gia đến từ Liên minh châu Âu (EU), Sở NN&PTNT Bình Phước, EuroCham, AusCham, De Heus Việt Nam, Hùng Nhơn, Big Dutchman Việt Nam trình bày.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/binh-phuoc-don-dong-von-lon-tu-cac-doanh-nghiep-chau-au-a653741.html