Bước vào chính vụ, thị trường khó đoán
Đầu tháng 5/2024, ghi nhận giá sầu riêng tiếp tục đứng ở mức thấp. Giá cao nhất ở miền Tây Nam bộ và thấp nhất ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 88.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất là 115.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục giảm. So với hơn 1 tháng trước, giá sầu riêng đã giảm khoảng một nửa. Ghi nhận tại huyện Cai Lậy, so với hơn 1 tháng trước, giá sầu riêng Monthong (Thái) loại A tại vựa “lập đỉnh” ở mức 230.000 đồng/kg, còn sầu riêng Ri6 loại A có giá khoảng 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện sầu riêng đã rớt giá mạnh.
Theo bà Hồ Thị Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) những ngày gần đây, giá sầu riêng trên địa bàn xã tiếp tục giảm; trong đó sầu riêng Monthong giảm nhiều hơn giống Ri6.
Cụ thể, sầu riêng Monthong được các thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 khoảng 70.000 đồng/kg (tùy theo hàng).
“Lúc trước, giá sầu riêng Monthong cao hơn Ri6 khoảng vài chục ngàn đồng/kg, nhưng hiện giá 2 loại đã gần bằng nhau. Hiện nông dân trên địa bàn xã thu hoạch sầu riêng chưa nhiều. Năm nay, sầu riêng thất
Còn tại tỉnh Hậu Giang, giá sầu riêng cũng đang giảm mạnh khi thương lái vào tận vườn mua sầu riêng Ri6 cân xô ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, còn sầu riêng Thái ở mức 90.000-95.000 đồng/kg.
Theo các nhà vườn, một số vườn sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch nên không còn cảnh khan hiếm như trước, từ đó giá loại trái cây này giảm mạnh.
Riêng tại các chợ, các tiểu thương cho biết, những ngày qua sầu riêng về chợ khá dồi dào, nhưng chủ yếu là sầu riêng Ri6, bán với giá 100.000 đồng/kg loại 1 và 90.000 đồng/kg loại 2. Với giá này đã giảm hơn 50.000 đồng/kg so với tháng trước. Riêng sầu riêng Thái và sầu riêng Musang King về chợ rất ít, do giá cao, người tiêu dùng ít chọn mua.
Ông Nguyễn Văn Trưng, Giám đốc HTX Sầu riêng Chánh An (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: “Năm nay nắng nóng gay gắt làm cháy lá, trái không đẹp, năng suất giảm. Việc sầu riêng tăng, giảm giá do quy luật thị trường. Sầu riêng ở đây không có doanh nghiệp bao tiêu, chủ yếu bán qua thương lái. Tuy nhiên, với giá bán 60.000 đồng/kg, nông dân vẫn thu lãi từ 60-100 triệu đồng/công (1.000 m2)”.
Diện tích tăng, chú trọng sản xuất
Theo báo cáo của Viện Cây ăn quả miền Nam thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu như năm 2016, cả nước chỉ có 33.400ha trồng sầu riêng thì năm 2022 đã có hơn 112.000ha. Trong năm 2023, diện tích trồng sầu riêng tiếp tục được mở rộng và đạt khoảng 127.000ha.
Trong 2 năm gần đây, nhiều địa phương tăng tốc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Cả nước hiện đã vượt so với định hướng đặt ra khoảng 50.000 ha sầu riêng (Đề án Phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030)
Theo các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các thị trường đều đang siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Mặc dù dư địa thị trường xuất khẩu còn khá lớn, tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đề án phát triển cây sầu riêng của địa phương đến năm 2025 là từ 14.000-16.000 ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích sầu riêng đã tăng lên gần 22.000ha. Trong đó, diện tích đang cho trái hơn 14.900ha.
Nếu trước đây, diện tích vùng chuyên canh sầu riêng chỉ tập trung ở các xã ven sông Tiền của các huyện Cai Lậy, Cái Bè, thì hiện nay đã mở rộng sang hầu hết các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía tây và vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang như: thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước.
Tại tỉnh Bến Tre, diện tích sầu riêng cũng tăng khá nhanh và tập trung ở các vùng nước ngọt như: Chợ Lách, Châu Thành. Đến nay, địa phương có khoảng 2.760ha trồng sầu riêng, trong đó có 1.935ha cho trái. So với năm 2015, diện tích trồng sầu riêng tăng khoảng 700ha.
Ông Nguyễn Phúc Hiệp, quyền Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre) cho biết: “Khi cây sầu riêng phát triển “nóng” tại các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có công văn gửi các địa phương, các đơn vị trực thuộc khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp”.
Dự kiến, năm 2024, xuất khẩu sầu riêng sẽ còn tăng trưởng hơn nữa do mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng có thể được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp nhiều hơn.
Tuy nhiên, cơ hội kèm theo đó là sự tuân thủ yêu cầu của thị trường. Theo đó, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T – cho biết, nhu cầu từ thị trường với trái cây này rất lớn.
Tuy nhiên, những lô hàng xuất khẩu sầu riêng trái non, thối hỏng bị phát hiện vừa qua dù chiếm tỷ lệ không lớn nhưng tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, chất lượng sầu riêng Việt Nam. Vấn đề là làm sao để có một quy trình chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng. Quy trình này cần phải giải quyết được vấn nạn sầu riêng cắt non đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý 1/2024, xuất khẩu sầu riêng đạt gần 57.000 tấn với trị giá 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng hơn 63% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý 1, giá xuất khẩu bình quân sầu riêng đạt 4.437 USD/tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ.
Trong số sầu riêng xuất khẩu, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu là sầu riêng tươi và 8,5% là sầu riêng đông lạnh. Còn lại là tỷ trọng nhỏ các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như: sầu riêng sấy khô, nước ép sầu riêng, kem sầu riêng…
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bien-dong-gia-sau-rieng-xuat-khau-tang-cao-cang-lo-chat-luong-a662005.html