Người Đưa Tin (NĐT): Trước hết, tôi xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn Người Đưa Tin nhân dịp 21/6. Thưa ông, hiện nay, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang tích cực khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Là một doanh nghiệp có nhiều năm xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), ông đánh giá thế nào về nhu cầu của người dân với nhà ở xã hội hiện nay ?
Ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng phòng Hành chính Nhân sự BIC Việt Nam: Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, kết quả phát triển NƠXH thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng thì tới năm 2030 cả nước cần 2,4 triệu căn NƠXH để đáp ứng cho công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở.
Bộ Xây dựng cũng đưa ra đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030). Con số 1 triệu căn NƠXH khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu ở thực của người dân.
Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp chúng tôi cho rằng bất cập hiện nay là nhu cầu sử dụng NƠXH rất lớn nhưng nguồn cung lại chiếm tỷ rất trọng nhỏ trên thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chưa mặn mà phát triển các dự án NƠXH cho người dân do lợi nhuận bị khống chế không quá 10% và khó tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng.
Đồng thời, các chính sách ưu đãi cho người thu nhập thấp tiếp cận mua nhà cũng không nhiều, khó tiếp cận. Các thủ tục pháp lý còn chồng chéo, khiến thời gian từ khi bắt đầu tiến hành thủ tục đến khi triển khai thực tế kéo dài.
NĐT: Được biết, BIC Việt Nam đã và đang triển khai các dự án nhà ở xã hội. Xin ông cho biết, trong quá trình triển khai các dự án nêu trên, công ty gặp những thuận lợi cũng như khó khăn gì?
Ông Nguyễn Việt Hùng: Là chủ đầu tư phát triển các dự án NƠXH, trong quá trình phát triển dự án công ty chúng tôi cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước với phân khúc này.
Thứ nhất, trong bối cảnh nguồn tín dụng BĐS khan hiếm nhưng nguồn vốn cho các dự án NƠXH vẫn được Chính phủ, ngân hàng ưu đãi cho tiếp cận vốn vay.
Thứ hai, quỹ đất được chính quyền các tỉnh, thành phố tạo điều kiện về thời gian, thủ tục để triển khai, được miễn tiền sử dụng đất và các quỹ đất này thường được quy hoạch, bố trí, giải phóng mặt bằng sẵn.
Thứ ba, các dự án phát triển NƠXH được hưởng một số hỗ trợ, ưu đãi nhất định về đất đai, thuế và các chính sách ưu đãi khác về đầu tư rất rõ ràng và cụ thể.
Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi thì việc xây dựng NƠXH vẫn còn gặp một số khó khăn. Hiện nay công ty chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công các dự án nhằm cung cấp ra thị trường những căn hộ chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, việc cấp phép này tại Hà Nội hiện nay đang gặp khá nhiều thủ tục chồng chéo, mất nhiều thời gian. Có dự án chúng tôi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn đang chờ quyết định giao đất từ UBND thành phố. Cùng với đó, việc cấp giấy phép xây dựng thi công công trình cũng bị kéo dài khiến công ty bị chậm trễ trong việc triển khai dự án.
Ngoài ra, một vấn đề cũng đang gây vướng cho chúng tôi là lãi suất. Dù có sự ưu đãi nhưng phía ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về thủ tục vay vốn, các chỉ tiêu tín dụng cho doanh nghiệp tiếp cận vốn hiện nay chưa thực sự rõ ràng.
NĐT: Thực tế cho thấy, bên cạnh năng lực của doanh nghiệp thì các giải pháp về đất đai, về cơ chế, chính sách cũng đóng vai trò rất quan trọng. Là doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng và hoàn thiện nhiều dự án nhà ở xã hội, ông có đánh giá thế nào về những cơ chế, chính sách của nhà nước đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua ?
Ông Nguyễn Việt Hùng: Chúng tôi cho rằng phát triển NƠXH là chủ trương, chính sách đúng đắn, với những đột phá từ quan điểm, tư tưởng, cách thức tiếp cận cho tới giải pháp thực thi, cùng với sự quyết tâm và vào cuộc tích cực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có những cơ chế, chính sách hiệu quả đem lại nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, chính sách và cơ chế về NƠXH hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, làm kìm hãm sự phát triển của nhà ở xã hội, một số thách thức có thể nhận diện gồm thách thức về tiếp cận đất đai, thách thức về giá nhà cao, quy trình đầu tư và cấp đất phức tạp, chồng chéo với nhiều thủ tục bất tiện, chưa rõ ràng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung NƠXH do cơ chế cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng, nhiều dự án khi được cấp phép NƠXH nhưng một thời gian thì chuyển đổi thành nhà ở thương mại và chủ đầu tư chấp nhận đóng tiền để chuyển đổi mục đích. Chính điều này làm cho nguồn cung vốn đã ít ỏi lại càng eo hẹp hơn.
Chưa kể nhiều chủ đầu tư bị hạn chế về nguồn lực đầu tư và huy động các nguồn vốn vào thị trường NƠXH, khó tiếp cận vốn vay ưu đãi. Những giới hạn hoặc quy định về tỉ lệ, hệ số rủi ro cho vay BĐS cũng như đặc thù phân khúc này nên nguồn vốn của các ngân hàng dành cho chương trình này thường thiếu tính ổn định lâu dài.
NĐT: Như đã đề cập về mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội năm 2030 của Chính phủ, để đạt được mục tiêu đó, ngoài gói tín dụng 120.000 tỷ đã được triển khai, Chính phủ cũng đang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản, những điểm còn vướng mắc để tháo gỡ cho các nhà đầu tư. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông cho rằng cần có những giải pháp gì ?
Ông Nguyễn Việt Hùng: Thứ nhất, chúng tôi cho rằng chủ đầu tư có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu. Còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề quy hoạch. Hiện nay, rất nhiều các đề án quy hoạch , quy hoạch chi tiết 1/500 choNƠXH phải điều chỉnh lại, liên quan đến chỉ tiêu dân số, tiện ích hạ tầng xã hội,…
Điều này dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, sẽ rất mất thời gian. Chính vì vậy, doanh nghiệp đề nghị được cùng tham gia với các địa phương vào việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tại các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ.
Thứ ba, hiện nay thủ tục phê duyệt dự án nhà ở xã hội rất lâu. Nên chúng tôi kiến nghị những bước nào làm song song được thì cho song song như hồ sơ đấu thầu công khai, lựa chọn nhà đầu tư… có thể rút ngắn xuống từ 90 đến 120 ngày để các địa phương công bố các đề án, dự án nhà ở xã hội, các doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ.
Thứ tư, về quỹ đất được quy hoạch, nhiều dự án NƠXH nằm rải rác, không tập trung, quy mô nhỏ lẻ, giao thông tiếp cận và tiện ích chưa thuận tiện phù hợp.
Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý sẽ thực hiện quy hoạch rõ ràng, minh bạch hoá khu vực diện tích đã được quy hoạch giúp doanh nghiệp có thể triển khai xây dựng phù hợp với chiến lược chung.
Cuối cùng, chúng tôi mong được tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, được ngân hàng hỗ trợ. Đồng thời được tiếp cận nguồn quỹ đất “sạch” và gia tăng quy hoạch đất phục vụ cho các dự án NƠXH.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Trao đổi với NĐT, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để khơi thông được nguồn cung nhà ở xã hội cần phải có đủ 3 yếu tố gồm nguồn vốn, quỹ đất và chính sách.
Trong khi đó, điểm yếu nhất của hệ thống quản lý Việt Nam chính là thủ tục hành chính. Dù là phân khúc dành riêng cho người thu nhập thấp song việc tiếp cận để được mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội luôn khiến người lao động gặp vô số khó khăn bởi thủ tục. Doanh nghiệp cũng khó khăn về pháp lý trong việc triển khai các dự án thuộc phân khúc này.
“Hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có mức ưu đãi cao nhất 2%/năm chưa thực sự ưu đãi cho người thu nhập thấp tiếp cận. Thời điểm cách đây 10 năm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có mức ưu đãi vay 5,5% thì người lao động, thu nhập thấp mới dễ tiếp cận và muốn tiếp cận”, vị chuyên gia chia sẻ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bic-viet-nam-mong-duoc-go-nut-that-phap-ly-giai-bai-toan-tin-dung-a613351.html