noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiPháp luậtBình Thuận: Cầm cây cào đá đánh vào đầu đồng nghiệp, đối...

    Bình Thuận: Cầm cây cào đá đánh vào đầu đồng nghiệp, đối tượng lãnh án

    Vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong công việc, bị cáo Phạm Thành Tiên đã dùng cây cào đá, răng bằng kim loại là vật sắc nhọn nguy hiểm đánh vào vùng đầu của bị hại.

    Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa đưa bị cáo Phạm Thành Tiên (sinh năm 1998, nơi cư trú thôn Thái Hiệp, xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) ra xét xử về tội Giết người.

    Diễn sự việc tại phiên toà

    Theo cáo trạng, hơn 7h ngày 23/11/2021, Phạm Thành Tiên đến làm việc tại Km 1491 + 150m đường sắt Bắc – Nam của Cung Châu Hanh, thuộc thôn Châu Hanh, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình nhưng bị trễ giờ.

    Bị cáo khai: “Thấy tôi đi trễ giờ nên ông Hà Văn Phúc (sinh năm 1974, cư trú phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là kỹ sư, chỉ huy trưởng công trình hỏi tôi: Mày đi đâu giờ này mới tới, Bị cáo trả lời: Con đi mua đồ ăn sáng, sẵn tiện con mang cho anh em luôn. Rồi ông Phúc nói: Mày đừng có lý do này lý do nọ, rồi gọi điện thoại báo cho cấp trên quản lý của tôi phản ánh lại việc trên. Nghe ông Phúc báo cho ông Sơn như vậy, thì bị cáo bực tức chửi thề nói: Lần sau của ai người đó tự đi mua đi, tôi không mua nữa”.

    Ông Phúc nói tại tòa: “Nghe Tiên nói vậy nên tôi hỏi: Mày chửi thề với ai? Tiên trả lời: Tôi chửi thề với ông đó. Xong rồi bỏ đi làm cách vị trí cãi nhau khoảng 800m.”

    Theo hồ sơ, sau đó ông Phúc đi theo Tiên đến chỗ làm và nói: Mày đáng tuổi con cháu tao mà mày chửi thề với tao, thì Tiên nói: Ông đi chỗ khác để tôi làm việc”.

    Hồ sơ điều tra - Bình Thuận: Cầm cây cào đá đánh vào đầu đồng nghiệp, đối tượng lãnh án

    Bị cáo Tiên tại phiên toà xét xử.

    Ông Phúc quay người đi về hướng lán trại một đoạn, vừa đi vừa lập lại câu nói trên, Tiên tiếp tục nói: “Tôi không đánh ông là may rồi đó”. Nghe vậy, ông Phúc quay lại gần chỗ Tiên nói: “Mày ngon mày đánh tao đi”, đồng thời khom người đưa đầu mình về phía Tiên.

    Lúc này, Tiên đang cúi người xuống khởi động máy phát điện, trên máy phát điện có để 1 cây cào đá dài 1,76m, cán bằng tre đường kính 2,5 cm, lưỡi cào bằng kim loại, có 5 răng nhọn, mỗi răng dài 11cm và cách nhau 4cm dùng để cào đá làm đường ray.

    Khi nghe ông Phúc nói vậy và đang đưa đầu về phía mình, đối diện bên kia máy phát điện thì bị cáo Tiên dùng 2 tay cầm cây cào đá để trên máy phát điện, tay phải trước, tay trái sau, giơ lên quá đầu đánh mạnh 1 cái theo chiều hướng từ trên xuống trúng vào phía sau đầu ông Phúc làm cho răng cào ghim vào đầu ông Phúc. Các công nhân đang làm việc gần đó nhìn thấy nên đến căn ngăn, giật cây cào ra và đưa ông Phúc đi cấp cứu.

    Theo kết luận của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận về thương tích đối với ông Phúc như sau: Chấn thương, vết thương vùng đỉnh chẩm, vỡ lún sọ đỉnh hai bên; dập, xuất huyết não trong mô não thùy trán trái và đỉnh hai bên đã được phẫu thuật điều trị, hiện khuyết xương bản sọ vùng đỉnh trái, liệt 1/2 người phải ở mức độ nặng, sức cơ 1/5 trên cơ địa bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch chân trái, để lại 2 sẹo vết thương đỉnh chẩm phải. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên cho ông Phúc hiện tại là 79%.

    Mâu thuẫn nhỏ nhưng hậu quả lớn

    Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong công việc, bị cáo Tiên đã dùng cây cào đá, răng bằng kim loại là vật sắc nhọn nguy hiểm đánh vào vùng đầu của bị hại là vùng trọng yếu trên cơ thể con người, có khả năng dẫn đến chết người. Hành vi của Tiên là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính chất côn đồ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). 

    Hồ sơ điều tra - Bình Thuận: Cầm cây cào đá đánh vào đầu đồng nghiệp, đối tượng lãnh án (Hình 2).

    Quang cảnh phiên toà xét xử.

    Đại diện viện kiểm sát trình bày quan điểm tại phiên toà và nhận định, bị cáo Tiên chưa gây ra hậu quả chết người, nhưng đã hoàn thành về hành vi nên thuộc trường hợp: “Phạm tội chưa đạt” quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi nêu trên của  Phạm Thành Tiên là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện tính côn đồ hung hãn, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.

    Tuy nhiên, sau khi phạm tội, bị cáo Tiên đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả; bị cáo thành khẩn khai báo, nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, được gia đình bị hại bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

    Trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm có xu hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là các hành vi tước đoạt trái phép tính mạng của người khác gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, điển hình như vụ án được đưa ra xét xử hôm nay. Do đó, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền pháp luật cho người dân thì cũng cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc mọi hành vi phạm tội, bởi lẽ thông qua đó sẽ góp phần giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.

    Hồ sơ điều tra - Bình Thuận: Cầm cây cào đá đánh vào đầu đồng nghiệp, đối tượng lãnh án (Hình 3).

    Công an áp giải bị cáo Tiên ra xe tù về trại giam.

    Trước khi nghị án, tại phiên toà bị cáo Tiên cúi đầu nhận lỗi ăn năn hối cải và xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

    Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tiên 10 năm tù giam. Đồng thời, bị cáo Tiên phải bồi thường cho bị hại Hà Văn Phúc số tiền 426.456.190 đồng. Gia đình bị cáo đã bồi thường số tiền 70.000.000 đồng nên bị cáo Tiên còn phải bồi thường cho bị hại Hà Văn Phúc số tiền 356.465.190 đồng.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU