Nơi “chúa đảo” là loài rắn độc nhất thế giới
Đảo Ilha de Queimada Grande nằm ngoài khơi bờ biển Brazil còn được gọi là đảo Rắn, là một trong những vùng đất nguy hiểm trên thế giới.
Hòn đảo khá lớn, khoảng 430.000m2, với mật độ trung bình là một con rắn độc trên 1m2 đất, vùng đất là nỗi kinh hoàng cho ngư dân đi qua đây.
Theo tờ Smithsonian, khoảng 11.000 năm trước, mực nước biển dâng đã khiến đảo Rắn bị cô lập khỏi đất liền Brazil.
Điều này khiến loài rắn sống trên đảo, được cho là rắn jararaca đã tiến hóa theo một con đường khác với các loài rắn đồng loại trên đất liền.
Do không có động vật săn mồi trên mặt đất, những con rắn bị mắc cạn ở đảo Rắn sinh sản mất kiểm soát. Theo ước tính, trên đảo có khoảng 2.000-4.000 con rắn hổ lục đầu giáo vàng và nhiều loại rắn khác.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với chúng bởi điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có con mồi trên mặt đất.
Để tìm thức ăn, những con rắn phải trườn lên trên, săn mồi là những loài chim di cư đến thăm hòn đảo theo mùa trong những chuyến bay dài.
Thông thường, rắn rình con mồi, cắn và đợi nọc độc phát huy tác dụng trước khi lần theo dấu vết con mồi. Trong khi đó, rắn hổ lục đầu giáo vàng lại không thể theo dấu những con chim mà chúng cắn.
Vì vậy, loài này đã tiến hóa nọc độc của mình trở nên cực kỳ mạnh để nhanh chóng vô hiệu hóa và giết chết con mồi trước khi chúng kịp bay đi.
Theo nghiên cứu khoa học, một vết cắn của hổ lục đầu vàng có thể giết chết một người trưởng thành bằng cách gây sưng đau, ói mửa, bầm tím, chảy máu nội tạng, suy thận, xuất huyết não và dẫn tới hoại tử cơ bắp nghiêm trọng chỉ sau 2 giờ đồng hồ.
Sở dĩ, các nhà khoa học kết luận rắn hổ lục đầu vàng có khả năng phá hủy và làm tan cơ thể người và các loài động khác là vì trong nọc độc của chúng chứa chất độc Hemotoxin làm ăn mòn thịt và mô.
Loại nọc độc này không chỉ “tiễn” nạn nhân về cõi chết nhanh chóng mà còn giúp hổ lục đầu vàng dễ dàng nuốt con mồi hơn.
Bởi nọc độc, sự cô lập và nhung nhúc rắn độc ở khắp nơi đã biến Ilha da Queimada Grande trở thành “nghĩa địa” đáng sợ bậc nhất thế giới.
Các chuyên gia chỉ ra, nguy hiểm thực sự đối với con người là người bị nạn không dễ tới được nơi an toàn để cấp cứu khi hòn đảo đáng sợ này cách bờ biển Brazil lên tới 90km. Điều đó còn chưa tính tới thời gian di chuyển từ bờ biển tới bệnh viện gần nhất.
Truyền thuyết đáng sợ về đảo Rắn
Theo tờ Thetravel, đảo Rắn không có người ở. Gia đình người canh giữ ngọn hải đăng trên đảo là những người cuối cùng xuất hiện trên đảo là từ năm 1920. Người ta cho rằng rắn đã lẻn vào nhà qua các cửa sổ và giết hại cả gia đình xấu số.
Theo truyền thuyết kể lại, ban đầu rắn xuất hiện ở đây là do những tên cướp biển. Vì mục đích bảo vệ an toàn cho những kho báu chôn giấu trên đảo, nên những tên cướp biển xưa kia đã thả nhiều con rắn độc ở đây. Tuy nhiên, điều này vẫn còn là một nghi vấn lớn vì khi chủ nhân của kho báu trên quay trở lại, họ cũng phải đối mặt với “cơn ác mộng” mang tên rắn độc.
Vì mức độ nguy hiểm, Chính phủ Brazil đã cấm con người đặt chân lên hòn đảo này. Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các chuyến viếng thăm Ilha da Queimada Grande.
Hiện nay, chỉ có lực lượng Hải quân ở quốc gia này cùng những chuyên gia nghiên cứu hoặc nhà quay phim mới được phép tới đây nhằm mục đích để bảo trì cho ngọn hải đăng, cũng như tìm hiểu về hệ sinh thái “nguyên sơ” vô cùng độc đáo trên hòn đảo nguy hiểm này.
Trước đây, hòn đảo này mang tên “Đảo Cháy” do ngư dân đã có gắng chiếm bờ biển bằng cách đốt rừng và đuổi động vật hoang dã vào trong rừng sâu, nhưng với sự hiện diện của vô vàn loài rắn độc, nơi đây được biết đến nhiều hơn với tên “Đảo rắn”. Khí hậu ở đây rất ôn hòa, không khác gì so với hòn đảo lân cận Nimer.
Hòn đảo này có nhiều loại thảm thực vật và địa hình của nó cũng rất đa dạng. Theo các nhà nghiên cứu, diện tích của hòn đảo được bao phủ bởi rừng mưa nhiệt đới, trong khi các khu vực còn lại là đá cằn cỗi và đồng cỏ trống trải. Sự mất cân bằng này đến từ hành vi tàn phá rừng của con người trong quá khứ, hiện đang thể hiện rõ ràng ở mọi ngóc ngách của hòn đảo.
Lam Anh (T/h theo Tiền Phong, Zing)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bi-an-dang-so-ve-dao-ran-o-brazil-noi-con-nguoi-khong-dam-ben-mang-a611280.html