Cuối năm 2023 thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn thị trường bất động sản Việt Nam 2024 (VREF 2024) với chủ đề “Vượt qua thách thức”. Sự kiện do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ đạo, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức và giao Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng VARs Connect thực hiện.
Tại sự kiện, thông qua những góc nhìn tổng quan về tình hình thị trường bất động sản, các chuyên gia, diễn giả đã cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm về toàn cảnh thị trường bất động sản 2023; sự tác động của cơ chế chính sách đến tình hình phát triển kinh tế; nhận định tiềm năng phát triển của thị trường 2024 và kích thích dòng tiền chảy vào bất động sản…
Theo đó, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và tác động đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường đã phải rơi vào trạng thái trầm lắng, ảm đạm bởi những tồn tại, hạn chế kéo dài, chưa được khắc phục triệt để.
TS Nguyễn Văn Đính cho biết, năm 2023 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng.
Nhìn lại quãng thời gian kể từ tháng 5/2022, cho đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã phủ bởi “gam màu xám xịt, ảm đạm” khi hàng nghìn dự án phải tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giải thể hoặc tạm đóng cửa. Việc này kéo theo hàng ngàn người làm môi giới bất động sản phải bỏ nghề mà nguyên nhân đến từ sự biến động của tình hình kinh tế thế giới, sự lạc hậu của một số bộ luật…
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo tích cực từ phía Chính phủ, các cơ quan ban ngành, cùng sự nỗ lực của tất cả doanh nghiệp bất động sản, càng về cuối năm, thị trường càng đón nhận những tín hiệu tích cực hơn. Chia sẻ về những tín hiệu tích cực, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS đánh giá, quý 4/2023, thị trường bất động sản Việt Nam đã có sự cải thiện cả về nguồn cung, giao dịch.
Trong đó, có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt thị trường, tính chung tổng nguồn cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý 3/2023. Số lượng giao dịch đạt 5.710 sản phẩm, tương đương với quý 3/2023 và gấp đôi so với các quý đầu năm. Tỉ lệ hấp thụ tiếp tục được cải thiện, đạt 26%, tăng 12 điểm % so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương với quý 3/2023.
Về việc phát triển các phân khúc trên thị trường, bất động sản công nghiệp liên tục dẫn đầu với sự gia nhập của rất nhiều “đại bàng” lớn quốc tế. Đây được đánh giá là phân khúc duy nhất có mức tăng giá nhưng vẫn được đón nhận do mức độ hoàn thiện theo hướng ngày càng hiện đại, thông minh. Có thể kể đến như một số khu công nghiệp lớn có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài/doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Miền cho biết, hoạt động M&A cũng đạt được những kết quả tương đối khả quan với tổng giá trị 2023 của ngành bất động sản, chiếm tỷ trọng tới 23% với phần lớn các giao dịch thành công từ các nhà đầu tư ngoại quốc và đứng thứ 2 trong các ngành kinh tế.
Năm 2024 thị trường bất động sản sẽ có bước chuyển mình
Bên cạnh tổng kết, đánh giá thị trường bất động sản quý 4 và năm 2023, các chuyên gia tại sự kiện cũng đã đưa ra những dự báo về thị trường bất động sản năm 2024.
Theo Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư VARS, tình hình bất động sản Việt Nam sẽ thay đổi dựa vào tình hình kinh tế thế giới và điều hành kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, cùng với việc tiệc tục hoàn thiện để thông qua Luật Đất đai, Chính phủ vẫn tiếp tục nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách tích cực nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi của thị trường.
“Mặc dù, chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng đây chính là “nền móng” cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giữa năm 2024”, bà Miền nhìn nhận.
Dưới góc nhìn kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận, TS Kinh tế, Biên tập viên cao cấp, Thư ký Hội đồng khoa học – nghiệp vụ Báo Nhân dân nhận định, bước sang 2024, thị trường sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhưng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, ghi nhận những động thái tích cực nhiều hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu vào lẫn đầu ra…
Theo ông Phong, minh chứng và căn cứ cho dự báo lạc quan này là kết quả ghi nhận các giao dịch trên thị trường trong năm 2023 đã có đà tăng liên tục về quy mô theo thời gian, đạt tổng 2.700 giao dịch trong quý 1/2023; 3.700 giao dịch trong quý 2/2023 và 6.000 giao dịch trong quý 3/2023.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đến ngày 30/11/2023 cũng cho thấy, tín dụng đối với nền kinh tế đã đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Đặc biệt, độ ngấm và hiệu quả tháo gỡ về chính sách, cải thiện về môi trường pháp lý đang đậm nét dần sau 20 động thái liên tục được triển khai trong năm 2023, với hàng loạt dự án Luật đã được điều chỉnh và được Quốc hội thông qua.
“Một trong những vướng mắc nhất của thị trường hiện nay là tính pháp lý của các dự án, chiếm khoảng 70-80% khó khăn. Nếu giai đoạn 2024 – 2025, các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án ở các khu dân cư mới sẽ được giải quyết và thị trường bất động sản sẽ phục hồi”, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đánh giá, một số năm gần đây nguồn vốn phát triển thị trường bất động sản chủ yếu là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay trong năm 2022 tỷ trọng nguồn vốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã sụt giảm đáng kể trong cơ cấu nguồn vốn phát triển bất động sản.
Để hỗ trợ khơi thông nguồn vốn vào bất động sản trong thời gian tới, ông Thịnh cho rằng, cần phải thực hiện đầy đủ các giải pháp cần thiết, trong đó tập trung vào vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; nguồn vốn tín dụng; việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thu hút vốn FDI.
Đồng thời, đẩy mạnh số hóa các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng kho dữ liệu toàn diện để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định và rút ngắn quá trình xét duyệt đưa ra quyết định đầu tư.
NAM ANH
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bat-dong-san-nam-2024-dan-xen-co-hoi-va-thach-thuc-a644294.html