Nói đến ớt nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị cay nồng xé lưỡi hoặc nếu là ớt chuông thì có mùi hăng dùng xào nấu chứ ít ai có thể ăn sống cả cân giống như ăn trái cây. Nhưng gần đây, trên các chợ online, loại ớt Sweet palermo bỗng nhiên được nhiều người săn mua. Theo quảng cáo, loại ớt này không hăng như ớt chuông, ăn giòn tan và có vị ngọt ngon, có thể ăn trực tiếp như các loại trái cây thường ngày.
Tuy nhiên, giá loại ớt này khá đắt đỏ. Theo khảo sát của VietNamNet, loại ớt Sweet palermo size mini đang có giá từ 130.000-150.000 đồng/kg, đắt gấp 2 lần so với giá ớt chuông. Còn ớt Sweet palermo size to có giá từ 180.000-250.000 đồng/kg tuỳ màu. Trong đó, ớt màu socola lên tới 250.000 đồng/kg vẫn khó mua do nguồn cung khan hiếm.
Chị Kiều Thị Hảo ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ lần đầu tiên được nếm thử đến nay, gần như tuần nào chị cũng đặt mua về ăn dù giá ớt Sweet palermo không hề rẻ.
“Tôi ăn thử và cảm thấy ngạc nhiên. Ớt ngọt, không có mùi hăng, chấm với muối ô mai thì vị ngọt đậm đà hơn. Từ đó tôi mê luôn loại quả này”, chị Hảo nói với VietNamNet. Vậy nhưng, mua loại ớt này không dễ, các cửa hàng không có sẵn. Mỗi lần ăn chị Hảo phải đặt trước vài ngày. Riêng loại ớt Sweet palermo màu socola ăn ngọt nhất thì phải săn mua vì khá hiếm, không có nhiều hàng như màu đỏ, cam và vàng.
Chị Ngọc Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy nhiều người tìm mua loại ớt này nên cũng muốn mua về ăn thử xem có gì ngon. “Mấy chị em trong công ty của tôi rủ nhau đặt mua về ăn nên tôi cũng đặt nửa cân. Lúc nhận cũng hơi ngạc nhiên vì tưởng trên ảnh là quả quảng cáo nên to vậy, ai ngờ ngoài đời nó cũng to lắm”, chị chia sẻ.
Loại này đặc biệt ở điểm là ăn không hề có mùi hăng, thơm mùi ớt lại không cay, rất giòn, ngon. Chị ăn thử vài miếng sau đó đem số ớt còn lại chế biến thành món salad cho cả gia đình ăn cũng không kém phần ngon.
Tuy nhiên để có được bữa ăn lạ miệng này, chị cho biết đã phải đợi gần 1 tháng mới có. “Vì loại ớt này hỏi đâu cũng thông báo hết hàng, tôi đành phải đặt đơn trước để họ phần cho mình khi có hàng”, chị nói.
Chị Trần Hồng Hà, chủ cửa hàng nông sản sạch ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, thời điểm này năm ngoái rất ít người tìm mua ớt Sweet palermo. Thế nên, chị thường gom đơn 2 tuần mới nhập một chuyến hàng về trả khách, mỗi chuyến chỉ khoảng 20-30kg.
“Từ đầu năm 2023 đến nay bỗng nhiên loại ớt Sweet palermo thành hàng hot. Các video TikToker hay YouTuber ăn ớt này tràn ngập mạng xã hội”, chị nói. Khách hỏi mua loại ớt ngọt này cũng tăng theo cấp số nhân.
Theo chị Hà, ớt Sweet palermo hay còn gọi là ớt sừng ngọt, ớt trái cây. Loại ớt này được trồng nhiều ở tỉnh Lâm Đồng. Ớt có 4 màu gồm: đỏ, cam, vàng và màu socola. Tuy nhiên, ớt socola có giá đắt đỏ nhất vì ớt màu này vị ngọt đậm hơn những loại khác.
Loại ớt này cũng có thể đem nướng, xào, làm salad… Song, nhiều người thường mua về ăn sống trực tiếp giống như ăn trái cây. Thậm chí, có gia đình mua ớt về làm trái cây tráng miệng sau mỗi bữa cơm. Đây cũng là lý do, ớt sừng ngọt đắt hàng.
Dù vậy, thời điểm hiện tại mỗi tuần chị Hà chỉ nhập được 2 chuyến để trả đơn khách đặt. Lượng ớt mỗi chuyến nhập về chỉ trên dưới 50kg, bởi còn phụ thuộc vào nguồn cung.
Chia sẻ với báo Dân Việt, ông Nguyễn Như Thủy (thôn Kim Phát, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho biết gia đình ông trồng ớt sweet palermo trên diện tích 1.500m2, bán với giá 75.000-80.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
“Do đã có kinh nghiệm trồng ớt nhiều năm, năm 2021, tôi được biết một công ty đã phát triển giống ớt sweet palermo khá đặc biệt, giá trị dinh dưỡng cao nên đã quyết định mua giống về trồng thử trên diện tích 1.500m2. Hiện nay, loại ớt sweet palermo đang phát triển tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh và có giá khá cao nên tôi khá yên tâm và phấn khởi”, ông Thủy thông tin.
Ớt sweet palermo có vòng đời khoảng 8 tháng, sau khi trồng được 3 tháng đã cho thu hoạch. Trung bình, mỗi cây ớt sweet palermo cho năng suất 3,5-4kg quả. Với diện tích 1.500m2, ông Thủy thu được từ 500-700kg ớt sweet palermo mỗi tuần.
“Hiện giá ớt sweet palermo trên thị trường dao động từ 75-80 ngàn đồng/kg, với sản lượng từ 500-700kg/tuần thì hàng tháng tôi thu về gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí thì lãi ròng đạt 50%. Ớt sweet palermo được tôi cung cấp cho các đối tác ở Hà Nội, Tp.HCM. Hiện tôi đang mở rộng trồng thêm 2.000m2 ớt sweet palermo để tăng sản lượng cung cấp cho thị trường”, ông Thuỷ chia sẻ.
Anh Lê Tiến Dũng, chủ vườn chuyên về các giống ớt ở Đạ Tẻh, Lâm Đồng, cho biết loại ớt Sweet Palermo được trồng rất lâu ở Đà Lạt, nhưng mấy tháng gần đây mới tạo nên cơn sốt, giá bán tăng cao mà cũng nhiều người tìm mua đến vậy.
Theo anh, trước đây, loại ớt này rất khó bán nhưng mấy tháng trở lại đây giống ớt này bỗng dưng “hot”, người dân đua nhau tìm mua khiến tình trạng “cháy” hàng xảy ra liên tục.
Anh trồng khoảng 200m2 với gần 300 cây của giống ớt này, hiện mỗi tháng anh có dao động từ 400 – 600 kg quả. Số lượng này không đủ cung cấp ra thị trường vì khách đặt mua rất nhiều. “Khách đều phải xếp hàng chờ mới tới lượt”, anh nói.
Ngày trước khi chưa sốt, giá bán quả ớt này chỉ dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, tuỳ vụ. Nhưng đợt gần đây, giá bán bị đẩy lên cao, giá dao động từ 120 – 170 nghìn đồng/kg mà thiếu hàng liên tục. Còn hạt giống F1 đang được rao bán 20.000 đồng/hạt.
Trao đổi với tờ Nông thôn Việt, anh Lê Tiến Dũng cho biết ớt Sweet Palermo cùng dòng với ớt chuông nên cũng dễ chăm sóc, dễ trồng.Cây khoẻ, thích nghi rất tốt. Nhược điểm là thu hoạch không được lâu, phải chống đỡ cây vì quả lớn rất dễ gãy cành. Điểm đặc biệt là quả của chúng khi ăn không có mùi hăng. Những quả ớt lứa đầu tiên sẽ to hơn những lứa thu hoạch tiếp theo.
Nếu muốn trồng diện tích lớn làm kinh tế, anh cho biết nên trồng số lượng vừa phải vì hiện tại đó là “trend”, nó sẽ hạ nhiệt sau vài tháng. Việc trồng diện tích lớn nên cẩn trọng. Vì da số các giống ớt chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng công chăm sóc và thu hái mới nhiều, cái thứ 2 nữa là bảo quản không được lâu nên người dân trồng làm kinh tế nên cân nhắc.
Minh Hoa (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bai-toan-loi-nhuan-trong-viec-trong-loai-ot-khong-cay-ngot-nhu-trai-c-a596724.html