Xem thêm >>> Bài 1: Những thương vụ triệu USD của anh em ông chủ Bitexco
Bài 2: Saigon Glory và áp lực đáo hạn hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu
Nhà đầu tư mắc kẹt trong những lời cam kết
Về kế hoạch thanh toán dự kiến các lô trái phiếu được nhắc đến trong Bài 2: Saigon Glory và áp lực đáo hạn hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu, phía Saigon Glory cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu.
Tuy nhiên, tỉ lệ tham dự hội nghị không đủ túc số để tổ chức do tính tới 12h15 ngày 11/6/2023, tỉ lệ tham dự hội nghị của các lô trái phiếu lần lượt chỉ đạt là 72,74% với lô SGL-2020.01; 68,22% với lô SGL-2020.02; 63,06% với lô SGL-2020.03; 65,58% với lô SGL-2020.04 và 60,95% với lô SGL-2020.05. Theo Điều 11.1.c của Văn kiện Điều kiện Trái phiếu thì các lô trái phiếu trên đều chưa đạt tỉ lệ 75% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành tại thời điểm tiến hành hội nghị của từng lô.
Doanh nghiệp cũng khẳng định đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu.
Chia sẻ với truyền thông, ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch Saigon Glory cho biết dù trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 không thể đầu tư, thi công xây dựng Dự án nhưng ngay cả trong giai đoạn Tp.HCM bị phong toả hoàn toàn, công ty vẫn thực hiện nghĩa vụ trả lãi trái phiếu đầy đủ cho đến hiện nay.
Tuy nhiên đến nay, Saigon Glory không thể thực hiện được ngay việc trả các khoản gốc trái phiếu khi đến hạn do tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản và tài chính nhưng luôn nỗ lực để thực hiện cam kết, không thoái thác trách nhiệm.
“Chúng tôi khẳng định do yếu tố khách quan, khó khăn chung của thị trường dẫn tới việc tổ chức phát hành chưa thể triển khai kế hoạch kinh doanh như phương án ban đầu đưa ra nên chưa có nguồn tài chính để thực hiện chứ không phải là tổ chức phát hành có điều kiện thực hiện mà cố tình không thực hiện lời hứa”, ông Bảo nói.
Trao đổi với Người Đưa Tin, chị T.S.Mai (Tp.Hồ Chí Minh) – trái chủ đang sở hữu hàng tỷ đồng trái phiếu của Saigon Glory bày tỏ bản thân cảm thấy thất vọng khi công ty không chịu trách nhiệm về vấn đề trả gốc cho những người đã đầu tư vào công ty.
“Việc công ty con của Bitexco không tuân thủ cam kết đưa ra đã gây mất mát về tài chính cho nhà đầu tư và làm mất lòng tin của trái chủ đối với doanh nghiệp khi liên tục có các động thái thoái thác trách nhiệm”, chị Mai chia sẻ.
Theo đó, nhà đầu tư trái phiếu Saigon Glory cho biết trong thời gian tới, nếu việc đàm phán vẫn tiếp tục bị kéo dài và phía doanh nghiệp không thanh toán/không thể thanh toán gốc trái phiếu thì bản thân chị Mai cùng các trái chủ dự kiến sẽ giải quyết theo trình tự pháp luật bằng cách yêu cầu thanh lý tài sản đảm bảo, kiện ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch Saigon Glory và công ty về tội lạm dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện cho trái chủ chia sẻ các trái chủ sẽ tiến hành làm việc với TVSI và Techcombank (đơn vị đang nắm giữ tài sản đảm bảo 10 lô trái phiếu của Saigon Glory) để tiến trình không bị kéo dài và đảm bảo không thất thoát tài sản.
Tiết lộ bản thân là một khách hàng VIP của Techcombank, chị Mai nhấn mạnh hoàn toàn tin tưởng vào ngân hàng trong việc xử lý vụ việc trên một cách minh bạch và rõ ràng.
Trái chủ sở hữu trái phiếu nên làm gì để lấy lại tiền?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lưu thông hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trên thị trường nhưng mất khả năng thanh toán, theo đó rất nhiều trái chủ không thể lấy lại tiền mình đầu tư, doanh nghiệp lại có nhiều cơ sở để được phép kéo dài thời gian trả nợ.
Đánh giá về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết tình trạng này dẫn đến hai tác động đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Về khía cạnh tích cực, việc này giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để thanh toán cho các nhà đầu tư, nhà đầu tư cũng không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao như hiện nay. Việc kéo dài thời gian trả nợ có thể giúp các trái chủ tăng khả năng được trả nợ thay vì mất trắng.
Tuy nhiên bên cạnh đó, ở góc độ tiêu cực thì tình hình trên đã gây ra bất lợi cho các trái chủ, vì trong nhiều trường hợp khi kéo dài thời hạn thanh toán trái chủ không nhận được tiền đầu tư của mình do rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của chính những trái chủ.
Theo quy định của pháp luật, ông Hà cho biết doanh nghiệp khi đến hạn thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư thì có thể đàm phán để thanh toán bằng tài sản khác như bất động sản, sản phẩm của công ty,… Nhưng phải được nhà đầu tư sở hữu trái phiếu chấp thuận.
Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Còn nếu trong trường hợp nhà đầu tư sở hữu trái phiếu không chấp thuận thanh toán bằng tài sản khác thì hai bên có thể đàm phán và tìm giải pháp cùng doanh nghiệp để “giãn nợ” bằng cách giãn kỳ hạn trả nợ trái phiếu kết hợp thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó.
Đối với trường hợp trái chủ lựa chọn theo hướng khởi kiện doanh nghiệp cần căn cứ vào các tài liệu, văn bản đã ký kết với bên liên quan làm cơ sở cho việc đưa ra quyết định.
Nhưng phương án này vẫn tồn tại bất lợi cho trái chủ, như quy trình tố tụng kéo dài, tốn thời gian và chi phí cho hoạt động tố tụng; có thể trải qua nhiều giai đoạn giải quyết vụ việc từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; thủ tục thi hành án kéo dài, phức tạp.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà thông tin, nếu chọn theo phương án hình sự, các trái chủ có thể không tốn tiền án phí vì là bị hại trong vụ án. Nhưng quá trình từ khi cơ quan công an điều tra thụ lý yêu cầu và ra quyết định khởi tố vụ án cho đến khi đủ cơ sở, chứng cứ, dấu hiệu phạm tội để chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát truy tố và tòa án xét xử là một quá trình kéo dài từ 2 đến 5 năm, bởi vụ việc trên có thể có nhiều bị hại, tình tiết rất phức tạp.
Ngoài ra, ông Hà phân tích hành vi trên xuất phát từ giao dịch dân sự, cho nên các cơ quan chức năng thường sẽ không hình sự hoá vấn đề. Vì vậy trong trường hợp theo phương án hình sự, nếu không phát hiện dấu hiệu tội phạm thì các trái chủ buộc phải chuyển qua khởi kiện dân sự và điều này gây lãng phí rất nhiều thời gian.
“Các trái chủ có thể chọn thêm phương thức thanh toán trái phiếu bằng cách chuyển đổi nợ trái phiếu thành vốn góp của doanh nghiệp. Hiện nay, không có bất kỳ quy định nào cấm việc chuyển đổi khoản nợ trái phiếu thành vốn góp cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể nào về quy trình chuyển đổi này. Việc chuyển nợ trái phiếu thành vốn góp của doanh nghiệp phát hành phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, các trái chủ khi lựa chọn phương thức này cần đánh giá khả năng tài chính của doanh nghiệp để giảm thiểu rủi ro về sau”, ông Hà đề xuất.
Ngoài ra các bên cũng có thể tự thoả thuận với nhau, doanh nghiệp có thể đàm phán với các nhà đầu tư qua hội nghị trái chủ để giãn, hoãn thời thanh toán nợ, chủ động minh bạch thông tin và đàm phán với trái chủ về phương án trả nợ, doanh nghiệp có thể cam kết trả thêm lãi theo biên độ cộng thêm trên lãi suất trái phiếu và gốc khi đến hạn mới. Tuy nhiên Luật sư cũng nhấn mạnh việc này phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí của hai bên.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bai-3-nha-dau-tu-trai-phieu-saigon-glory-lieu-co-mat-trang-a619368.html