Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương mới đây, TS. Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM cho biết tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm.
Đặc biệt, trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước và đã có 4 ca tử vong.
Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, những năm trước phải đến tháng 8,9 bệnh tay chân miệng mới tăng, khi trẻ bắt đầu nhập học năm học mới. Nhưng, năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp.
Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.
Ông cho biết, đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng.
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực.
Ngày 21/6, bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm – Thần kinh.
Có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống. Chẳng hạn, bé gái 14 tháng tuổi nhập viện cách đây một tuần, ba ngày đầu sốt nhẹ, xuất hiện hồng ban ở bàn tay, bàn chân kèm loét họng.
Sau đó bé bớt sốt nhưng ngủ hay giật mình. Đến ngày thứ 5, bé giật mình chới với nhiều khi ngủ, gia đình đưa vào viện nhưng diễn tiến nhanh dẫn đến suy hô hấp.
Bé ngưng thở, bác sĩ đặt nội khí quản và chuyển đến khoa hồi sức tích cực để thở máy song trụy tim mạch, mạch nhanh, tụt huyết áp, đe dọa tính mạng. Bác sĩ phải dùng thuốc vận mạch trợ tim, truyền dịch chống sốc và lọc máu cấp cứu.
Trước tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh, chia sẻ với Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) đưa ra các dấu hiệu cảnh báo tình trạng tay chân miệng chuyển nặng.
Theo BS. Hoàng, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại virus gây ra và năm nay chủ yếu là virus Coxsackie A16 và virus entero 71(hay còn gọi là EV 71).
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 trẻ bị nhập viện do tay chân miệng và trong đó 30% là do virus EV71.
BS.Hoàng cho biết, khi bị tay chân miệng do virus EV71 thì bệnh thường diễn biến nặng với các biến chứng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi thậm chí suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể dẫn đến tử vong.
Từ đó, BS. Hoàng đưa ra ba dấu hiệu cảnh báo tình trạng tay chân miệng chuyển nặng đó là:
Thứ nhất, trẻ sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài trên 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; thứ hai, thường xuyên giật mình, mỗi giờ đồng hồ trên 4 lần; thứ ba, quấy khóc dai dẳng và kéo dài.
“Nếu phụ huynh thấy con mình có một trong ba dấu hiệu trên thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được điều trị một cách kịp thời”, BS. Hoàng nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ về tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh ở Tp.HCM, GS.TS.Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại.
Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong; phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường, hạn chế tình trạng lây lan, phát tán ổ dịch.
Việt Nam sắp có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng
Trước đó, ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía Nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Thứ trưởng Bộ Y tế báo tin có một công ty sản xuất vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý dược. “Hy vọng từ nay đến cuối năm vắc-xin này sẽ được cấp phép”, bà Liên Hương nói.
Nhưng, trước khi đợi vắc xin được cấp phép, Thứ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở các tỉnh phải đảm bảo trang thiết bị, vật tư hóa chất, thuốc điều trị. Hiện nay, tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên.
Các địa phương phải chủ động trong dự trù số thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, hóa chất; đề xuất số lượng cần trong năm, trao đổi, làm việc với các đơn vị cung cấp để chủ động phòng chống dịch.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ba-dau-hieu-canh-bao-tinh-trang-tay-chan-mieng-chuyen-nang-a614548.html