Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự tham gia tích cực và đóng góp của các bộ, ngành trong hợp tác ASEAN năm 2022.
Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp với hệ lụy kéo dài, dai dẳng của nhiều vấn đề, các bộ, ngành cần chuẩn bị kỹ kế hoạch cho năm 2023, nhất là cần tìm ra những cơ hội, khai thác tiềm năng mới, vừa tiếp tục đóng góp cho tiến trình hợp tác chung ASEAN, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt, cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo của Việt Nam theo Chỉ thị 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành rà soát tổng thể quá trình tham gia hợp tác ASEAN, nhận diện các khó khăn, thách thức, rút ra các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở xây dựng Kế hoạch tham gia của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo; nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành là một trong các yếu tố quyết định cho thành công và hiệu quả tham gia của Việt Nam trong ASEAN.
Chủ trì cuôc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định năm 2022 là một năm nhiều thách thức đối với ASEAN, cả từ bên trong và bên ngoài. Tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược gay gắt gây ra nhiều khó khăn, khiến quá trình phục hồi sau dịch bệnh còn nhiều bấp bênh và chưa đồng đều. Tình hình tại nhiều điểm nóng như Myanmar, Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, Eo biển Đài Loan, cùng các thách thức phi truyền thống diễn biến khó lường, đặt ra nhiều thử thách cho đoàn kết, vai trò trung tâm, và uy tín của ASEAN.
Trong bối cảnh đó, vững vàng trong gian khó đúng như chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, ASEAN đã vượt qua những khó khăn bằng tinh thần đoàn kết, tương trợ, phát huy trách nhiệm và tiếng nói chung trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Kinh tế khu vực là điểm sáng với mức tăng trưởng khả quan trên 5%. Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ghi nhận tiến triển tích cực trên tất cả các kênh hợp tác từ quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, giao thông vận tải, lao động, giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, thông tin, khoa học công nghệ…. Đặc biệt, việc khởi động soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 ngay từ đầu năm 2022 cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của các nước trong việc củng cố Cộng đồng ASEAN ngày càng tự cường và vững mạnh.
Quan hệ đối ngoại của ASEAN chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ như thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Ấn Độ; đồng ý về nguyên tắc nâng cấp quan hệ với Canada và ghi nhận nhiều đề xuất khác. Các đối tác coi trọng và mong muốn đưa hợp tác với ASEAN ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, thúc đẩy nhiều đề xuất về chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á hay Diễn đàn Khu vực ASEAN tiếp tục chứng tỏ giá trị chiến lược trong việc thúc đẩy hợp tác thiện chí và đối thoại thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm.
Đại diện các bộ, ngành thông tin về kết quả cụ thể của hợp tác ASEAN tại các kênh chuyên ngành với nhiều nội dung mới, thực chất. Hợp tác an ninh, quốc phòng được thúc đẩy, đóng góp quan trọng vào việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc với việc khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế thông qua kinh tế số và chuyển đổi số, xây dựng Khung Kinh tế Tuần hoàn ASEAN, tăng cường tài chính bền vững, mở rộng và đưa hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu qua các FTA+ và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Trụ cột Văn hóa – Xã hội triển khai tích cực nhiều hoạt động, bao phủ cả 15 lĩnh vực chuyên ngành, tập trung ứng phó thách thức mới nổi như dịch bệnh, già hóa dân số…, nâng cao giá trị nhận thức và bản sắc khu vực, thúc đẩy tinh thần chia sẻ và đùm bọc, cùng vượt qua đại dịch, phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoại giao nghị viện, giao lưu nhân dân, hợp tác thanh niên được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần tạo sự gắn kết bền chặt và hữu nghị giữa các nước.
Đánh giá sự tham gia của Việt Nam trong năm qua, các đại biểu cho rằng các bộ, ngành đã tham gia đầy đủ, tích cực, phối hợp chặt chẽ với nước Chủ tịch Campuchia và các nước ASEAN trên tất cả các kênh đóng góp vào thành công chung của ASEAN, lồng ghép và thúc đẩy nhiều vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích của Việt Nam như phục hồi toàn diện, phát triển bao trùm, hợp tác tiểu vùng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh thông tin…, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực được các nước đánh giá cao.
Trong năm qua, Việt Nam đã đăng cai và chủ trì thành công nhiều hoạt động quan trọng, góp phần vào nỗ lực chung của cả ASEAN trong việc nối lại quỹ đạo hợp tác, như Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23, Diễn đàn Pháp luật ASEAN 2022, Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, thúc đẩy thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp (ACPHEED)…
Phát huy thành công của những năm qua, cuộc họp nhất trí tiếp tục phương châm tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam, đóng góp xây dựng vào việc hiện thực hóa các ưu tiên, trọng tâm của ASEAN trong năm 2023, duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy triển khai đúng hạn các Kế hoạch tổng thể trên ba trụ cột, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, lồng ghép và thúc đẩy hiệu quả các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích của Việt Nam, đồng thời cải tiến cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời và thông suốt giữa các bộ, ngành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả tham gia của Việt Nam thời gian tới, tiếp tục khẳng định hình ảnh, uy tín, trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/asean-khang-dinh-manh-me-suc-manh-doan-ket-doi-thoai-va-hop-tac-a589495.html