noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủVăn hóa"Áo mới" cho di tích Quốc gia chùa KomPong: Năng lực thi...

    “Áo mới” cho di tích Quốc gia chùa KomPong: Năng lực thi công rất quan trọng

    ĐBQH Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, “khoác áo mới” không nên làm mất đi bản sắc văn hóa của di tích, giữ nguyên và bảo vệ giá trị gốc là trọng tâm hàng đầu.

    “Khoác áo mới” bất đắc dĩ

    Tại nhiều địa phương, việc trùng tu các di tích cũng đã dẫn đến tình trạng phá vỡ kiến trúc gốc, làm mất đi giá trị di tích khiến dư luận bức xúc.

    Đơn cử, có thể kể đến trường hợp đình Trùng Thượng và đình Trùng Hạ, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình được địa phương này “khoác áo mới” với hai màu đỏ và vàng gây nhiều tranh cãi.

    Đây là hai ngôi đình thuộc di tích quốc gia, có phong cách kiến trúc và điêu khắc trang trí thế kỷ 17, thời Lê Trung Hưng. Đình thờ 5 vị: Đông Hải đại vương, Sóc Giang đại vương, Trang Hiền đại vương, Hưng Đạo đại vương và Quốc Mẫu. Đình Trùng Hạ hiện còn giữ lại được nhiều bộ vì nóc, các bức y môn cùng những mảng chạm vô cùng tinh xảo, khéo léo, thậm chí là tinh xảo và tỉ mỉ hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ.

    Hay một số sự việc cũng từng gây dậy sóng dư luận như bê tông hóa đình Lương Xá – một ngôi đình cổ đã tồn tại hàng trăm năm ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội năm 2018. Thành nhà Mạc ở tỉnh Tuyên Quang bị ví như “lò gạch” sau khi trùng tu. Bia Quốc học Huế ở tỉnh Thừa Thiên – Huế bị hư hỏng nặng;

    Đình Chèm – công trình kiến trúc cổ bậc nhất Việt Nam, được ví như “báu vật” 2000 năm tuổi của Kinh thành Thăng Long – Hà Nội, bởi những nét đặc sắc về kiến trúc, giá trị lịch sử và văn hóa hiếm có. Thế nhưng, trải qua trùng tu, “báu vật” này đã có nhiều dấu hiệu “biến dạng”, dường như mất dần đi “lớp áo” trầm mặc, cổ kính theo thời gian…

    Tương tự, di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng bị xâm hại trong quá trình trùng tu. Trụ trì chùa Bối Khê và Ban Quản lý dự án huyện Thanh Oai đã cho đập 2 cổng ngách hai bên gác chuông để xây dựng mới, lát gạch trên nền sân đất của chùa, di chuyển cây xanh trong sân chùa và dựng lên những cột đèn chiếu sáng như công viên.

    Mới đây, dư luận đặt nhiều băn khoăn khi Di tích Quốc gia chùa Kompong (tỉnh Trà Vinh) đã được liên danh nhà thầu Công ty TNHH Nội thất xây lắp Trà Vinh và Công ty TNHH một thành viên Hacota khoác lên mình “tấm áo mới” sau khi trùng tu, tu bổ. 

    Văn hoá - 'Áo mới' cho di tích Quốc gia chùa KomPong: Năng lực thi công rất quan trọng

    Ngói Chánh điện tại Di tích Quốc gia chùa Kompong có hai màu khác nhau sau khi trùng tu.

    Di tích xuống cấp thì phải trùng tu, tôn tạo, điều đó là hiển nhiên. Nhưng trùng tu, tôn tạo như thế nào mới là đúng, mới thật sự hài hòa và không can thiệp thô bạo?

    Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trùng tu di tích cần phải được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, những người có hiểu biết về văn hóa, lịch sử để không làm mất đi đặc điểm, giá trị gốc của di tích đó và phải được thực hiện với một sự cẩn trọng, kỹ càng.

    Đây là điều bất cứ ai tâm huyết với di sản cũng đều mong muốn nhưng cũng là những băn khoăn, lo lắng. Bởi thực tế, nhiều di tích sau khi bị “khoác áo mới” bất đắc dĩ, đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi.

    Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhệm và năng lực chuyên môn của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tư vấn quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự đồng hành vào cuộc để những sự việc đáng tiếc về sự mất mát giá trị di sản, giá trị kiến trúc.

    Giữ nguyên và bảo vệ giá trị gốc là trọng tâm hàng đầu

    Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng vấn đề bảo tồn di tích, di sản văn hóa là một vấn đề cực kỳ quan trọng, và hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và sự hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương.

    Đầu tiên, việc bảo tồn tối đa yếu tố gốc và ưu tiên bảo quản, gia cố trước khi tu bổ, tôn tạo đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật xây dựng ban đầu để đảm bảo rằng bất kỳ can thiệp nào không ảnh hưởng đến giá trị gốc của di tích. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia bảo tồn di tích, cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương.

    Thứ hai, việc “khoác áo mới” cho các di tích cũ cũng cần được tiến hành cẩn trọng. Khi di tích được tôn tạo hoặc trùng tu, việc giữ nguyên và bảo vệ giá trị gốc của nó là trọng tâm hàng đầu. “Khoác áo mới” không nên làm mất đi bản sắc văn hóa của di tích mà thay vào đó nên thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết sâu sắc về lịch sử và nghệ thuật của nó.

    Theo đại biểu, trong quá trình trùng tu và tôn tạo di tích, cần phải có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo rằng công trình được thực hiện đúng theo kế hoạch và không ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị văn hóa của di tích.

    “Năng lực thi công cũng rất quan trọng. Các nhà thầu và công nhân tham gia vào việc trùng tu, tôn tạo di tích cần phải có kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách cẩn trọng và chính xác”, ông Sơn nói.

    Văn hoá - 'Áo mới' cho di tích Quốc gia chùa KomPong: Năng lực thi công rất quan trọng (Hình 2).

    ĐBQH Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

    Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng hoạt động trùng tu và tôn tạo di tích cần phải được hướng dẫn bởi các chuyên gia bảo tồn di tích có kinh nghiệm để đảm bảo rằng quá trình bảo tồn, tu bổ được thực hiện theo các quy chuẩn chất lượng và kỹ thuật cao nhất.

    “Khi công trình kiến trúc được trùng tu, tôn tạo, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng quá trình này không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa của di tích mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương. Việc hòa nhập các yếu tố hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc gốc của di tích có thể tạo ra một sự kỳ vọng mới và tạo nên một điểm nhấn văn hóa độc đáo trong cộng đồng”, ông Sơn cho hay.

    Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, việc thông tin và tương tác với cộng đồng địa phương cũng rất quan trọng. Sự thấu hiểu về quan điểm và mong muốn của cộng đồng đối với di tích có thể giúp xây dựng sự đồng thuận và hỗ trợ cho quá trình bảo tồn. Cộng đồng địa phương nên được đưa vào quá trình ra quyết định và thực hiện để đảm bảo rằng mọi can thiệp vào di tích được thực hiện một cách nhất quán với mong muốn và nhu cầu của cộng đồng.

    “Việc bảo tồn di tích, di sản văn hóa đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và sự hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa và lịch sử của địa phương. Việc trùng tu và tôn tạo di tích cần phải được thực hiện một cách khoa học, cẩn trọng và có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng giá trị gốc của di tích được bảo vệ và vinh danh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia bảo tồn di tích, cơ quan chức năng và cộng đồng địa phương cũng rất quan trọng để đạt được những kết quả tốt nhất trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích”, ông Sơn nhấn mạnh.

    Trước đó, từng trả lời báo chí đối với những sai phạm về chuyên môn, quy trình bảo tồn, trùng tu di tích, PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Namcho rằng, việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi sự việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn.

    Thực tế, việc xử phạt các vi phạm về quản lý di sản thời gian qua chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe; đối với những di tích bị “biến dạng” trong quá trình trùng tu, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này. Một mặt, các cơ quan liên đới từ chính quyền xã, huyện về quản lý di tích cũng phải xem xét trách nhiệm. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ những người làm công tác trùng tu di tích cũng cần được đẩy mạnh.

    Hoàng Bích

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU