Ngày 10/3, Anh đã công bố kế hoạch kéo dài 20 năm nhằm thu giữ carbon và cam kết sử dụng năng lượng hạt nhân
Công bố trên được đưa ra giữa bối cảnh nước này đang tăng cường nguồn cung cấp năng lượng và hướng tới một nền kinh tế trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này.
Theo một tuyên bố của Bộ Tài chính Anh, khoản đầu tư trị giá 20 tỷ bảng Anh (tương đương 24 tỷ USD) của dự án dự kiến được đầu tư phần lớn cho phát triển các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò phản ứng module nhỏ mới. Giới chức tài chính Anh cho rằng việc phát triển các dự án điện hạt nhân không chỉ góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế mà còn có thể tạo ra thêm 50.000 việc làm mới.
Theo dự kiến, chi tiết gói ngân sách đầu tư phát triển điện hạt nhân sẽ có trong báo cáo ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt được công bố trong ngày 15/3 tới.
Phát biểu hôm 10/3, ông Hunt cho biết, động thái này sẽ giúp tránh lặp lại tình trạng hóa đơn năng lượng tăng vọt mà hàng triệu người Anh đã phải chịu đựng kể từ năm ngoái sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine thắt chặt nguồn cung dầu khí toàn cầu.
“Chúng tôi không muốn thấy những hóa đơn cao ngất như thế một lần nữa, và giờ đã đến lúc thiết lập lại kế hoạch năng lượng sạch. Đó là lý do tại sao chúng tôi cam kết sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng hạt nhân ở Anh, ủng hộ một thế hệ lò phản ứng mô-đun nhỏ mới và đầu tư vào năng lượng sạch thông qua việc thu giữ carbon”, ông Hunt nói.
Tuần trước, Vương quốc Anh đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng mới với Pháp, tập trung vào tham vọng chung của hai nước là mở rộng sự phát triển các dự án điện hạt nhân. Anh được cho là đang lên kế hoạch phân loại điện hạt nhân là một dạng năng lượng xanh và cho phép thu hút các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân đối với lĩnh vực này.
Trong bối cảnh vừa phải đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế, đồng thời hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, một phần gói ngân sách sẽ được Chính phủ Anh đầu tư để tách 20 – 30 triệu tấn CO2 mỗi năm vào năm 2030 và lưu giữ lượng khí này dưới lòng đất. Đây là lượng CO2 sinh ra trong các quy trình công nghiệp, tương đương khí thải từ 10 – 15 triệu ô tô.
Minh Hoa (t/h theo VTV, BNEWS)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/anh-dau-tu-manh-cho-phat-trien-dien-hat-nhan-a597647.html