Năm 2022, đại dịch Covid đã không còn hoành hành như trước, kinh tế đã có những bước đầu hồi phục. Tuy vậy, đâu đó ngoài kia, vẫn có những con người không thế có được một cái Tết trọn vẹn.
Đón Tết ở một mảnh đất khác
Cách vạn dặm xa xôi, trên một mảnh đất khác, có những người con đất Việt vẫn đau đáu về cái Tết quê hương.
Năm nay là năm đầu tiên Thanh Uyên (21 tuổi, du học sinh Hàn Quốc) có một cái Tết xa quê. Nói về lý do tại sao quyết định ở lại, Uyên chia sẻ: “Mình cũng mới sang, bây giờ cũng mới tìm được việc làm thêm, tiếc việc, muốn kiếm thêm một chút ít để trang trải sinh hoạt phí với tiền học để bố mẹ đỡ áp lực hơn”.
Vé máy bay thì săn được vé giá rẻ, Covid không còn đáng sợ như năm 2021, vậy nên việc trở về cũng đơn giản. Năm nay các bạn du học sinh Hàn Quốc cũng về khá nhiều. Những người quyết định ở lại như Uyên là những bạn muốn kiếm thêm thu nhập, bởi lẽ công việc sẽ không cho các bạn thời gian nghỉ lâu để có thể trở về quê hương. Tết này, Uyên vẫn sẽ đi làm đến hết 30 Tết và sẽ bắt đầu đi làm lại vào Mùng 2.
Uyên chia sẻ giao thừa Uyên sẽ “ăn Tết với gia đình, nhưng mà online”: “0h đêm 30 mình sẽ gọi điện để ăn Tết online với bố mẹ và em trai. Tất nhiên là theo giờ Việt Nam rồi. Bên này cách Việt Nam mình 2 tiếng đồng hồ và 1h sáng mùng 1 giờ Hàn mình mới được tan làm nên chắc sẽ không được đón giao thừa Hàn Quốc”.
Không có bố mẹ, gia đình ở bên, năm nay Uyên và những người bạn chung phòng quyết định sẽ tự nấu cơm tất niên để chúc mừng với nhau.
“Nếu mà mẹ không gửi được sang cho mình, chắc là cả phòng sẽ góp tiền chung để mua vậy. Tại đồ bên này phải đắt gấp 2 – 3 lần bên Việt Nam, mua hoa quả với mua các loại hạt. Chúng mình sẽ nấu miến gà với nhau”, Uyên chia sẻ.
“Có khúc giò, với 2 mẹ con, thế là Tết”
Tết 2023, người dân lao động tại xóm trọ nghèo Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) đại đa số đều quyết định về nhà ăn Tết. Nhưng có lẽ dư âm của dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế vẫn khiến họ không thể có một cái Tết ấm no.
Giữa trưa một ngày gần Tết, cả dãy trọ im ắng, chỉ có mình chị Nguyễn Thị Được (30 tuổi, quê Phú Thọ) vẫn đang tranh thủ giặt quần áo để buổi chiều lại tiếp tục đi phụ hồ, trang trải sinh hoạt phí.
Năm nay chị Được có về quê ăn Tết. Chị chia sẻ: “Có năm về quê, có năm không. Con chị gửi ở quê cho bà. Anh chị ở lại kiếm thêm thu nhập, Tết người ta sẽ trả nhiều hơn”.
Chị kể rằng những năm mà mọi người không về quê ăn Tết thì xóm trọ này cũng sẽ không có Tết, mọi người sẽ không tổ chức gì với nhau, chỉ như những ngày bình thường thôi, ai làm việc nấy. Những ngày như vậy, nỗi nhớ nhà lại bao phủ lấy chị Được.
Năm nay chị quyết định về quê ăn Tết nhưng chị cũng không định về sớm. Bám trụ được thành phố, kiếm thêm thu nhập, được đồng nào hay đồng đó.
Năm nay chị quyết định về quê ăn Tết, những tưởng năm nay kinh tế của chị Được sẽ tốt hơn phần nào, nhưng trước câu hỏi của PV Người Đưa Tin, chị lại ngậm ngùi không nói.
Khác với chị Được, bà Nguyễn Thị Đậu (61 tuổi, quê Hưng Yên) năm nào cũng về quê ăn Tết.
Bà chia sẻ: “Ở quê, các bác thương nên các bác dựng cho gian nhà. Tết mua cái bó giò, 2 mẹ con ăn là có Tết”.
Gánh thuê hoa quả cho những quán hàng ở chợ Long Biên, trên đôi vai bà Đậu còn gánh thêm áp lực nuôi người con bị bệnh tim bẩm sinh.
Để chăm lo cho con, bà Đậu đã lên thành phố được mấy chục năm. Chỉ kiếm được mấy đồng bạc ít ỏi, nhưng bà vẫn không về quê làm ruộng. Theo bà, về cấy mấy sào thì chỉ đủ ăn, lên đây làm bà còn có tiền mua thuốc cho con, được đồng nào bà đều dành để chữa bệnh.
Bà nói rằng: “Nó còn chẳng tự thổi cơm được. Năm ấy, bố nó biết, bố nó bỏ nó, mình chả nuôi thì vứt cho ai”.
Sắp Tết. Nhưng trong con mắt của bà Đậu cũng không có niềm vui và hào hứng. Có lẽ chăng, trong đôi mắt bà chỉ có nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền, về căn bệnh của đứa con gái của mình.
Hương Mai
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/an-tet-voi-gia-dinh-nhung-ma-online-a590640.html