Án Nước ngoài:
Mất việc vì…vô trách nhiệm
Mới đây, truyền thông Singapore đã đưa tin về vụ việc một người đàn ông kiên quyết không chịu trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ phải vào tù nhiều lần và chấp nhận mất việc.
Theo đó, người đàn ông này đã đã đệ đơn ly hôn vào năm 2015 và đến năm 2018 thì nhận được phán quyết chấm dứt hôn nhân.
Trước khi thủ tục ly hôn được hoàn tất, anh ta chỉ trả khoản phí bắt buộc 50 đô la Singapore (khoảng 846.000 đồng). Tuy nhiên sau khi có phán quyết, người này đã từ chối thực hiện lệnh của tòa án về phân chia tài sản hậu hôn nhân, về quyền nuôi con và tiền cấp dưỡng, đồng thời không chịu xuất hiện tại tòa để giải quyết chuyện này.
Đáng chú ý, người đàn ông phải ngồi tù 10 lần (trong đó có 6 lần ngồi tù 1 ngày, 4 lần ngồi tù 2 ngày) và mất việc vì hành động của mình nhưng anh ta vẫn nhất quyết không chi trả khoản tiền cấp dưỡng cho vợ con.
Thỏa thuận ly hôn ghi rõ “nếu quá thời hạn không trả tiền cấp dưỡng cho vợ cũ thì phải bán nhà để trả nợ” và “nếu chồng không trả thì vợ có quyền đơn phương bán nhà”. Thế nhưng người đàn ông lại từ chối trả 175.000 đô la Singapore (hơn 3 tỷ đồng) tiền phân chia tài sản sau hôn nhân và tiền cấp dưỡng hàng tháng cho vợ cũ trong gần 5 năm qua.
Tháng 3/2022, người vợ đã nộp đơn kiện đến tòa án để đòi quyền lợi cho các con. Cô cho biết chồng cũ vẫn nợ 91.450 đô la Singapore (khoảng 1,6 tỷ đồng) chi phí sinh hoạt và 3.600 đô la Singapore (khoảng hơn 63 triệu đồng) khiến những đứa trẻ không thể đi học và sinh hoạt hết sức khó khăn.
Tòa án đã yêu cầu người đàn ông phải trả ngay lập tức 375.000 đô la Singapore (tương đương 6,5 tỷ đồng) tiền sinh hoạt và tiền cấp dưỡng, khoản này sẽ được lấy ra từ tiền bán nhà.
Dù vậy, người đàn ông này vẫn tỏ thái độ cố chấp và bất cần. Anh ta không chịu không chịu xuất hiện tại tòa nhưng lại nộp đơn kháng án vì không muốn chi trả bất cứ số tiền nào.
Vụ việc sau khi được chia sẻ đã nhanh chóng thu hút vô số sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa số đều chỉ trích hành động vô trách nhiệm của người đàn ông và cho rằng cần có biện pháp mạnh hơn với người này.
Luật Việt Nam:
Cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ bắt buộc
Cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, khi không là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con đồng thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vất chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ.
Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Đối tượng được cấp dưỡng gồm: Con chưa thành niên và con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 BLDS năm 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con cho đến khi con trưởng thành.
Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Không có khả năng lao động có thể là do sức khỏe yếu, mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự… Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình.
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng này cũng có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Việc cấp dưỡng được thực hiện theo phương thức cấp dưỡng theo định kỳ và cấp dưỡng một lần.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng, pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận một số biện pháp và chế tài xử lý nhằm cưỡng chế, răn đe người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng được thực thi hiệu quả hơn trên thực tế.
Trước hết, Luật HN&GĐ quy định quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ. Luật cũng ghi nhận biện pháp trừ vào thu nhập của người có nghĩa vụ tại Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014). Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì có quan chức năng có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng được cụ thể tại Điều 186 BLHS năm 2015.
Theo đó, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Về hành chính, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật; Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật. Biện pháp khắc phục hậu quả là uộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định (Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Về hình sự, người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thuộc một trong hai trường hợp “làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe”; “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự mà còn vi phạm” và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật Hình sự thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, chiếu theo quy định trên, với việc từ chối trả tiền cấp dưỡng hàng tháng cho vợ cũ trong nhiều năm, khiến vợ cũ và các con rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, người đàn ông vô trách nhiệm nói trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ánh Dương (Thực hiện)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-tha-ngoi-tu-quyet-khong-cap-duong-vo-con-a604216.html