Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, hầu hết các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc đã bị gián đoạn hoạt động kinh doanh trên diện rộng do chính quyền Bắc Kinh thực thi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch này.
Do đó, các công ty này đã bắt đầu xem xét việc chuyển một số bộ phận sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ nổi lên là một thị trường thay thế tiềm năng.
Thị trường tiềm năng
Với dân số đông và trẻ, mức lương thấp hơn và các ngành công nghiệp tương đối đa dạng, Ấn Độ là một ứng cử viên sáng giá để thay thế Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức 6,1% và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2027. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc là 4,4% trong năm tới, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ấn Độ cũng là một phần của nhóm bộ tứ QUAD (gồm Mỹ, Úc và Nhật Bản), “biểu tượng mạnh mẽ nhất” của liên minh đang phát triển của Ấn Độ với các nước phương Tây.
Nhân viên làm việc trên một dây chuyền lắp ráp trong nhà máy điện thoại di động của Rising Stars Mobile, một đơn vị của Foxconn ở Sriperumbudur, bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Ảnh: BQ Prime
Quốc gia này đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây, với dòng vốn đầu tư trong giai đoạn 2020-2021 ở mức 81,97 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số lượng FDI vào nước này năm 2021 cao gấp đôi so với 39,9 tỷ USD được ghi nhận trong năm 2017.
Ngoài ra, những cải cách của chính phủ Ấn Độ cũng khiến đất nước này trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty đa quốc gia.
Foxconn, nhà cung cấp của Apple, cũng đang đẩy mạnh công suất của một nhà máy ở Chennai trong bối cảnh tình hình sản xuất ở Trung Quốc không thuận lợi. Một nhà sản xuất hợp đồng khác của Apple là Pegatron (có trụ sở tại Đài Loan, Trung Quốc), cũng đã bắt đầu lắp ráp mẫu iPhone 14 mới nhất tại Ấn Độ.
Những gã khổng lồ công nghệ như Google và Samsung cũng đang có kế hoạch chuyển một số cơ sở sản xuất sang Ấn Độ để tận dụng chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của chính phủ nước này.
Một lý do nữa khiến khiến nhà đầu tư và doanh nghiệp phương Tây cân nhắc việc tiếp tục làm ăn với Trung Quốc đó là căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Đối thủ đáng gờm
Mọi việc dường như đang diễn ra khá thuận lợi đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này khó có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong một sớm một chiều vì 3 nguyên nhân.
Đầu tiên, chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng sẵn có của Ấn Độ vẫn còn kém xa Trung Quốc. Nhiều người coi chi phí lao động thấp của Ấn Độ là một lợi thế quan trọng so với Trung Quốc. Tuy nhiên, chi phí lao động thấp không còn là lợi thế nếu lợi ích mang lại không cao.
Bất chấp những thành tựu phát triển đáng khen ngợi của Ấn Độ trong vài thập kỷ qua, các hoạt động nâng cao năng lực của nước này vẫn tụt hậu so với Trung Quốc. Tỉ lệ trẻ em còi cọc của Ấn Độ ngày nay xấp xỉ bằng tỉ lệ của Trung Quốc hơn 2 thập kỷ trước, tốc độ tăng tuổi thọ của nước này chậm hơn Trung Quốc 25 năm và tỉ lệ người lớn biết chữ chậm hơn khoảng 3 thập kỷ.
Một kỹ thuật viên đang sửa lỗi cánh tay robot tại một nhà sản xuất ô tô ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 1/3/2022. Ảnh: People’s Daily
Bên cạnh đó, nhiều người Ấn Độ lớn lên trong các khu ổ chuột sống cả đời mà không có hồ sơ chính phủ. Do đó, sự tụt hậu của Ấn Độ trong việc nâng cao năng lực lao động so với Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn so với những gì dữ liệu chính thức cho thấy. Những yếu tố này ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của người lao động trong nhà máy và khả năng thăng tiến nghề nghiệp của họ trong lĩnh vực sản xuất về lâu dài.
Kết quả là chi phí lao động thấp có thể không bù đắp được chất lượng lao động thấp. Nếu Ấn Độ không thể giải quyết những thiếu hụt năng lực này một cách hiệu quả, dân số gia tăng của nước này có thể làm suy yếu sự ổn định xã hội của Ấn Độ, mặc dù chính quyền Thủ tướng Modi cho đến nay đã làm rất tốt về mặt này.
Thứ hai, quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Rất ít quốc gia đang phát triển có thể cạnh tranh với Trung Quốc về mặt này, và Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Mặc dù các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng điều kiện phần cứng của nước này vẫn chưa thể nào so sánh với Trung Quốc.
Cuối cùng, Ấn Độ có truyền thống can thiệp thị trường và bảo hộ thương mại lâu đời, khiến môi trường kinh doanh của nước này kém thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà xuất khẩu Ấn Độ.
Kể cả ở trong nước, Ấn Độ cũng có nhiều hạn chế đối với thị trường của mình. Ví dụ, các công ty có hơn 300 nhân viên cần có sự cho phép của chính phủ để sa thải nhân viên. Những quy định như vậy đã khiến phần lớn công ty ở đây có quy mô nhỏ, chủ yếu tham gia vào lĩnh vực phi chính thức.
Nhìn chung, mặc dù chi phí lao động thấp, chất lượng lao động thấp của Ấn Độ bắt nguồn từ sự thiếu hụt trong phát triển năng lực và đầu tư cơ sở hạ tầng không đầy đủ, khiến Ấn Độ gặp bất lợi về chi phí vốn. Bên cạnh đó, những hạn chế về thị trường của Ấn Độ khiến môi trường kinh doanh ở nước này kém thuận lợi hơn.
Do đó, Ấn Độ khó có thể thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong tương lai gần, dù có nhiều lợi thế và sự hỗ trợ của các nước phương Tây.
Nguyễn Tuyết (Theo National Interest, SCMP, Live Mint)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/an-do-co-co-hoi-tro-thanh-cong-xuong-moi-cua-the-gioi-a587346.html