Kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các Ban quản lý dự án (QLDA): 2, 6, 7, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận; các cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Thời gian qua, các chủ đầu tư, Ban QLDA, đơn vị thi công, tư vấn đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nằm trong số các Bộ, ngành đạt mức cao hơn bình quân chung trong cả nước. Tuy nhiên, kết quả công tác kiểm tra cho thấy, tiến độ thực hiện và công tác giải ngân tại một số dự án còn chậm.
Ngoài các nguyên nhân khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: Các nhà thầu thi công chưa tập trung tài chính, nhân sự, thiết bị để thực hiện dự án; chủ đầu tư đặc biệt là Sở Giao thông vận tải các địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, xử lý đối với những nhà thầu yếu, chậm tiến độ; nhiều khối lượng đã hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán; thủ tục điều chỉnh giá, lập phê duyệt các hạng mục điều chỉnh, bổ sung, phát sinh còn chậm; công tác đăng ký kế hoạch vốn và đánh giá khả năng hấp thụ chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến phải điều chuyển vốn,…
Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư, Ban QLDA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng; nhanh nhạy, linh hoạt hơn nữa trong việc áp dụng các giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đối với khối lượng đã hoàn thành, bảo đảm nguồn vốn cho các nhà thầu tăng tốc thi công.
Các chủ đầu tư/Ban QLDA cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tiến độ thi công theo từng ngày, từng tuần của từng nhà thầu, từng gói thầu, đôn đốc các nhà thầu thi công huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, nguyên vật liệu; chủ động nghiên cứu áp dụng, đổi mới các giải pháp kỹ thuật, tập trung tăng cường thi công “3 ca, 4 kíp” ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ.
Căn cứ quy định của hợp đồng, các ban QLDA phải kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ đã bị phê bình, cảnh cáo mà không khắc phục kịp thời trong thời gian quy định; có biện pháp điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu yếu kém; xử lý đối với nhà thầu không tiếp tục thực hiện hợp đồng theo quy định. Theo dõi, đánh giá và báo cáo Bộ các nhà thầu hạn chế năng lực, không hoàn thành khối lượng theo hợp đồng.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA lập danh sách các nhà thầu năng lực yếu để tham mưu Bộ xem xét, xử lý theo quy định của hợp đồng và quy pháp luật có liên quan.
Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA tính toán, lập tiến độ chi tiết đối với khối lượng còn lại của các dự án làm cơ sở theo dõi đánh giá khả năng hoàn thành các hạng mục, gói thầu theo yêu cầu.
Vụ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát, đánh giá tổng thể, khách quan khả năng hoàn thành các hạng mục, khối lượng chính theo các mốc tiến độ dự kiến, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn từ những dự án có khả năng giải ngân thấp sang những dự án có khả năng giải ngân tốt, đáp ứng yêu cầu giải ngân tối đa kế hoạch vốn được giao.
11 tháng của năm 2022, Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng
Trước đó, ngày 24/11, Bộ GTVT đã họp kiểm điểm tiến độ giải ngân và tiến độ các dự án do Bộ quản lý.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến đến hết tháng 11/2022, Bộ giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm).
Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ Giao thông Vận tải vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 11 khoảng 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Cũng theo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, từ nay tới ngày 31-1-2023, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Số lượng vốn tập trung tại các dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lớn thuộc Bộ (khoảng 12.218 tỷ đồng, chiếm 60,6%) và dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – VIDIFI (4.723 tỷ đồng, chiếm 23,4%).
Trong đó, đáng chú ý, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 được giao kế hoạch vốn 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11-2022, giải ngân 12.439 tỷ đồng (77,6%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng.
12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 được giao kế hoạch 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11-2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), kế hoạch còn lại phải giải ngân 4.968 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm, cấp bách được giao kế hoạch vốn 3.243 tỷ đồng, đến hết tháng 11-2022 giải ngân 2.399 tỷ đồng (74%); kế hoạch còn lại chưa giải ngân 874 tỷ đồng, tập trung ở 6 dự án: Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ là 242 tỷ đồng; tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình là 241 tỷ đồng; dự án nâng cấp quốc lộ 30 Cao Lãnh – Hồng Ngự 80 tỷ đồng; dự án quốc lộ 24 thành phần 2 là 75 tỷ đồng; dự án nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất 55 tỷ đồng; dự án đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài 51 tỷ đồng…
Tuệ Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/bo-gtvt-yeu-cau-dieu-chuyen-nha-thau-yeu-day-nhanh-tien-do-giai-ngan-a585407.html