noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểmĐBQH: “Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh”

    ĐBQH: “Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh”

    Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội liên quan đến câu chuyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự, làm sao để doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ quy định của pháp luật… 

    Sai phạm cảnh tỉnh nhà đầu tư 

    NĐT: Thị trường vốn (bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) được xem là nguồn huy động tài chính quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn truyền thống là tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua, thị trường này đã xuất hiện nhiều sai phạm mà điển hình là vụ việc ở Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh hay mới nhất là Louis Holding. Thực ra, sai phạm chỉ là thiểu số nhưng những nhà đầu tư chân chính lại bị ảnh hưởng ít nhiều. Đại biểu có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

    ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Thị trường vốn là xương sống của một nền kinh tế. Ở các nền kinh tế phát triển, tỉ lệ tham gia thị trường vốn chiếm đa số với GDP ở quốc gia họ.

    Thị trường vốn Việt Nam, cùng với thị trường tiền tệ cấu thành nền thị trường tài chính, đóng vai trò quan trọng và là huyết mạch của nền kinh tế; trong đó, thị trường vốn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn, cũng lại là kênh thu hút nguồn vốn nước ngoài mạnh mẽ, ngoài dòng vốn FDI. Xây dựng một thị trường vốn trong sạch, minh bạch sẽ tạo niềm tin, sự an tâm nơi các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.

    Bên cạnh những thành quả quan trọng đạt được, thị trường vốn đã và đang còn những hạn chế, bất cập; trong đó, cá biệt còn có một số tổ chức, cá nhân vi phạm qui định của pháp luật khi tham gia thị trường.

    Thị trường mở cửa, pháp lý đang dần hoàn thiện, việc một số tổ chức, cá nhân làm kinh doanh lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để kiếm tìm lợi nhuận bằng mọi giá đã dẫn đến những sai phạm như nhà báo vừa nói ở trên. Pháp luật luôn đi sau cuộc sống, xã hội không phải ai cũng như ai; người làm kinh doanh cũng vậy, bên cạnh những người thượng tôn pháp luật vẫn còn đó những người có cơ hội là “lách luật” hoặc chủ động đi tìm kẽ hở của pháp luật để “lách”.

    Sự việc xảy ra như vụ FLC, Tân Hoàng Minh; hay gần đây nhất Louis Holding thâu tóm cổ phiếu rác, dùng nhiều tài khoản để mua bán, tạo tính thanh khoản, “làm giá” để hưởng lợi bất chính hàng trăm tỉ… cũng là điều dễ lý giải.

    Đối thoại - ĐBQH: “Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh”

    ĐBQH Nguyễn Huy Thái cho rằng “con sâu làm rầu nồi canh” bị phanh phui giúp dễ nhận ra hơn những nhà đầu tư chân chính.

    Sai đâu xử đó. Hệ thống pháp luật sẽ chặt chẽ hơn, thông qua việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chế định, chế tài liên quan.

    Lại nữa, những sai phạm ấy giúp cảnh tỉnh các nhà đầu tư và doanh nghiệp, rằng hãy cân nhắc, lựa chọn, tập trung vào và bắt tay làm ăn với những doanh nghiệp tốt, có mục đích sử dụng vốn và cấu trúc tài chính ổn định, minh bạch, rõ ràng…

    Loại hình phát triển nào cũng bị lợi dụng và qua đây, hồi chuông cảnh báo được gióng lên càng rõ: Hãy tỉnh táo và phân bổ “rổ tài chính” sao cho có thể chủ động kiểm soát tốt nhất những rủi ro. Kém chuyên nghiệp, nhà đầu tư dễ bị dẫn dắt.

    Những “con sâu làm rầu nồi canh” bị phanh phui giúp dễ nhận ra hơn những nhà đầu tư chân chính, những doanh nhân đúng nghĩa.

    NĐT: Thủ tướng rất nhiều lần nhấn mạnh về việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả. Ông có đánh giá thế nào về quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ?

    ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Không hình sự hóa, tức là không biến một hành vi vốn dĩ không bị pháp luật xử lý, hoặc chỉ bị xử lý bằng một chế tài khác nhẹ hơn thành một hành vi có tính tội phạm và bị xử lý bằng loại chế tài nặng nhất, đó là chế tài  hình sự. Điều đó tạo động lực cho những doanh nghiệp, những doanh nhân, những nhà đầu tư làm ăn chân chính mạnh dạn, sáng tạo và chủ động…

    Tuy nhiên, một khi chính sách ấy bị lợi dụng, người làm kinh doanh sẵn sàng đạp lên tất cả để có được lợi nhuận tối đa, thì vấn đề lại khác đi rồi… Và khi ấy, phải được xử lý nghiêm minh.

    Nhìn lại một số vụ trọng án kinh tế gần đây, nhiều vụ liên quan đến hành vi lợi dụng chính sách, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số yếu tố khác… nhằm thao túng thị trường cổ phiếu, chứng khoán, bất động sản…

    Trong khi, bất động sản, thị trường bất động sản, chứng khoán, cổ phiếu… là dòng tiền chính, có vai trò lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước.

    Hành vi mà trước đó không bị pháp luật cấm, hoặc tuy bị cấm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không hoặc chưa đến mức phải sử dụng đến chế tài hình sự, do thay đổi của xã hội, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó tăng lên, khi ấy cần phải được điều chỉnh bằng chế tài hình sự nhằm răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự; đồng thời còn để tăng hiệu quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

    Đây chính là thông điệp của quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đưa thị trường vào quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, được phát đi từ người đứng đầu Chính phủ.

    Văn hóa kinh doanh cần gắn với đạo đức công vụ

    NĐT: Từ đây, ông có suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của những người làm kinh doanh, hay nói cách khác là trách nhiệm của doanh nhân với pháp luật?

    ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh. Một doanh nhân đúng nghĩa chắc chắn là chủ của ít nhất một doanh nghiệp, nhưng một chủ doanh nghiệp chưa hẳn đã là một doanh nhân đúng nghĩa.

    Doanh nhân đúng nghĩa là người chịu trách nhiệm về đồng vốn của mình, chịu trách nhiệm về thịnh suy của nền kinh tế nước nhà. Giàu có cho riêng mình nhưng phương hại đến cộng đồng, một doanh nhân đúng nghĩa sẽ tự trọng mà kiên quyết không làm.

    Doanh nhân đúng nghĩa không chỉ khẳng định giá trị doanh nghiệp mình bằng tiền, bằng vật chất, mà còn là tri thức, tầm nhìn, đạo đức, văn hóa,… và cả tấm lòng với cộng đồng, xã hội và vị thế quốc gia.

    Một doanh nhân đúng nghĩa là người mà, bằng những việc làm cụ thể, đem đến và chia đều cơ hội cho mọi người, không phân biệt ai với ai.

    Tiếc rằng, đang có một bộ phận người làm kinh doanh chưa thể gọi là doanh nhân đúng nghĩa, mục tiêu tối cao, thậm chí duy nhất là tìm và làm đủ mọi cách để kiếm tìm lợi nhuận cao nhất có thể.

    Để đạt mục đích, không ít người “chưa thể gọi là doanh nhân đúng nghĩa” cấu kết với bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, trở thành tác nhân của tham nhũng trong bố trí nhân sự, xây dựng chính sách, triển khai dự án;… cả tham nhũng vặt mà sức công phá như lỗ mọt đắm thuyền.

    Không ít người trong số đó đã “góp phần” làm “treo” những dự án, làm “thất thoát” cán bộ, đưa không ít quan chức vào vòng lao lý.

    Đối thoại - ĐBQH: “Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh” (Hình 2).

    Không để “phiên bản” FLC, Tân Hoàng Minh… có cơ hội thao túng, lũng đoạn thị trường vốn (Ảnh: Hữu Thắng).

    Có câu ngạn ngữ: “Pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu; còn đạo đức mới là pháp luật tối đa”. Pháp luật điều chỉnh mọi quan hệ xã hội, trách nhiệm của doanh nhân với pháp luật cũng chính là trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, đó là thượng tôn pháp luật, làm ăn ngay ngắn; là một người tốt, công dân tốt; một doanh nhân thực sự có văn hóa kinh doanh.

    Một nữ doanh nhân đúng nghĩa và thành đạt đã diễn đạt câu này: Dân gian hay nói, trao tặng vật chất là “cho con cá”, trao tặng tinh thần là “giúp cần câu”.

    Để “cho con cá”, doanh nghiệp cầm tiền ra chợ mua cá, cho, là xong; “giúp cần câu” đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ có tiền mà còn phải có tri thức, có tầm nhìn, có đạo đức, có văn hóa, có tấm lòng đối với Tổ quốc và dân tộc đã dung dưỡng doanh nghiệp.

    NĐT: Vậy theo ông, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong quản lý thị trường thì sao?

    ĐBQH Nguyễn Huy Thái: Ở góc độ đại biểu dân cử, tôi thấy bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng bộ máy đủ mạnh để thực thi công vụ hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ;

    Cần chú tâm xây xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với đạo đức công vụ, làm sao để văn hóa ấy được hấp thụ trong tất cả các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các quy định liên quan, tạo nên những sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần mà xã hội đang thực sự cần đến.

    Tôi đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung, duy trì và hoàn thiện cơ chế giám sát thực sự hiệu quả, kịp thời phát hiện, can thiệp từ sớm, không để “gạo nấu thành cơm”, những “phiên bản”, những “biến chủng” FLC, Tân Hoàng Minh, Louis Holding… có cơ hội thao túng, lũng đoạn thị trường vốn nói riêng, và các thị trường khác…

    Bởi “phiên bản” và “biến chủng” sẽ tinh vi, nguy hiểm hơn nhiều lần, gây nên hệ lụy gấp nhiều lần, tác động nhiều lần xấu đến phát triển thị trường vốn, nền kinh tế đất nước, vị thế quốc gia và niềm tin của nhân dân.

    NĐT: Xin cảm ơn ông.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU