Sáng nay (11/12), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022.
Hoat động này nhằm tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Bạch Liên Hương – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá chất lượng nguồn nhân lực là nguyên khí của quốc gia, là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vì cần phải đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực.
Bà Hương thông tin trong những năm qua, chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô ngày càng được khẳng định và nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Với mạng lưới 310 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp liên tục tăng cao trong những năm gần đây, dự kiến năm 2022 tuyển sinh 251.500 lượt người, đạt 112% kế hoạch, tăng 13,23% so với cùng kỳ năm 2021.
“Bên cạnh đó, với vị thế là Trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị của cả nước, thị trường lao động của Thủ đô luôn có sự biến động và thu hút mạnh mẽ lực lượng lao động tham gia thị trường”, bà Hương cho biết.
Theo số liệu của Cục Thống kê, ước tính năm 2022, trên địa bàn thành phố có trên 3,9 triệu lao động có việc làm, trong đó khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất với 60,58%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32.41%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng thấp nhất 7,0%.
Cũng tại buổi lễ, ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cũng cho biết: “Một trong những thách thức không nhỏ của chúng ta là tỉ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cân đối cung cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận năng suất lao động tiềm năng, còn thừa thiếu lao động cục bộ, làm việc không đúng chuyên ngành nghề đào tạo”.
Trước những thách thức đó, trong nhiều giải pháp đặt ra thì việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ông Trương Anh Dũng cho rằng việc tổ chức những ngành hội việc làm như hôm nay sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp người lao động có thể sớm tìm được việc làm đúng vị trí chuyên môn của mình.
Ghi nhận các doanh nghiệp tham dự ngày hội, trao đổi với Người Đưa Tin, anh Hoàng Đại Minh – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hoá chất sơn MT cho biết: “Chúng tôi đã có nhiều năm tham dự và đồng hành cùng với các trường tham gia vào việc đào tạo nghề cho các em học sinh. Việc hướng nghiệp, hỗ trợ đầu ra, trang bị kiến thức, thực hành giúp các em để có đủ hành trang khi ra trường. Bên cạnh đó các em sẽ được học song song giữa lý thuyết và thực hành”.
Đại diện doanh nghiệp cũng thấy rằng nguồn lao động trong các trường giáo dục nghề nghiệp khá ổn định, có chất lượng và đảm bảo được việc tìm kiếm nhân lực đúng với chuyên môn.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-phai-cung-giai-bai-toan-chat-luong-nguon-lao-dong-a585108.html