Hôm nọ một tờ báo thông tin, đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: “Nếu không gia hạn nợ, Vietnam Airlines có thể sẽ phá sản”.
Và đại biểu khác thì đặt vấn đề: “Tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ, nếu gia hạn trả nợ mà vẫn lỗ thì sao?”. Và có vị nữa thống kê: Năm 2021, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỷ đồng và năm 2022 lỗ tiếp là 8.841 tỷ đồng. Năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỷ đồng.
Như vậy, qua 4 năm thì Việt Nam Airlines lỗ trên 32.000 tỷ đồng. Khoản nợ vay tái cấp vốn của Vietnam Airlines chỉ 4.000 tỷ, so với khoản nợ của Vietnam Airlines hiện nay lên tới khoảng 58.000 tỷ, như vậy khoản này cũng rất ít. Phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ. Trước Covid-19 cũng lỗ, trong Covid-19 cũng lỗ, đến bây giờ vẫn lỗ…
Trước đấy, việc giá vé máy bay và giá xăng dầu càng tăng càng lỗ đã nhiều lần được nêu trước diễn đàn Quốc hội, và cũng khiến rất nhiều người dân, những người có quyền lợi thiết thân, ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên là bởi, tại sao lại có kiểu kinh doanh kỳ lạ thế?
Mà Vietnam Airlines là “anh cả đỏ” trong ngành hàng không, cũng là hãng nhận được nhiều ưu đãi nhất. Tôi nhớ một ông thầy hồi vào dạy lớp Cao cấp chính trị, tôi là học viên lớp ấy, hỏi ông bay gì, ông bảo bay Vietnam Airlines, mình cán bộ Nhà nước, phải ủng hộ hãng Nhà nước.
Và gần như mặc nhiên, đã cán bộ đi công tác, đa phần là bay Vietnam Airlines. Bạn bè tôi nhiều người có thẻ VIP Vietnam Airlines, bản thân tôi, hồi Vietnam Airlines chưa có vé giá rẻ cũng đã leo lên đến hạng Titan, tức cũng đa phần bay Vietnam Airlines, nhưng từ hồi hãng này có chế độ vé rẻ thì tất nhiên tôi mua loại này, và không được cộng điểm nữa. Quê nhất là không biết thẻ bị tụt hạng, hôm có việc bay, điềm nhiên vào cửa ưu tiên, nhân viên bảo thẻ của anh tụt hạng rồi, không được đi cửa này nữa, quay lại xếp hàng.
Nhiều chuyện nữa, để nói rằng, đây là hãng được coi là con cưng, với cả Nhà nước và khách hàng, thế mà… vẫn lỗ.
Của đáng tội, tôi và nhiều người như tôi, chả hiểu quái gì về ngành hàng không cả, nên chịu chết, không thể biết tại sao mà lại có kiểu kinh doanh mà càng kinh doanh càng lỗ, năm nào cũng lỗ, miệt mài lỗ như thế.
Và nếu hãng Nhà nước, được Nhà nước ưu tiên tới thế mà vẫn lỗ thì các hãng tư nhân khác kinh doanh thế nào? Nhẽ họ bỏ tiền ra để… lỗ.
Thực ra thì, chuyện các hãng bay tư nhân nói riêng, các ông chủ tư nhân bỏ tiền kinh doanh nói chung, họ cũng lỗ chỏng gọng chứ chả phải anh nào cũng thắng như chẻ tre được. Nhưng đấy là tiền túi của họ, họ tính toán để lúc nào lỗ lúc nào huề vốn và lúc nào thì lãi. Như cái quán cà phê gần nhà tôi, họ tính toán sẽ lỗ khoảng 1 năm, sau đấy huề vốn và lãi. Nguyên tiền thuê nhà đã 30 triệu một tháng, tiền nhân công, chi phí các cái, họ tính hết và… yên tâm mở quán, dành 1 tỷ để bù lỗ 1 năm.
Các hãng bay tư nhân vừa rồi cũng lao đao. Lao đao nhưng, ví dụ như Vietjet, khách kêu như thế, chê như thế, đối tượng phục vụ toàn người thu nhập thấp như thế, nhưng họ vẫn phát triển dù thấy cũng kêu lỗ, nhất là dịp Covid.
Thì một tờ báo đưa tin hồi tháng 2 năm nay: “Vietjet Air doanh thu tăng mạnh, Vietnam Airlines vẫn thua lỗ”, theo đó, “Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 62,5 ngàn tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 344 tỷ đồng. Riêng quý 4/2023, doanh thu của Vietjet đạt 18,8 ngàn tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng. Doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa của Vietjet tăng trưởng mạnh, đóng góp tới 45% tổng doanh thu vận chuyển cả năm. Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của hãng hàng không giá rẻ đạt hơn 84,6 ngàn tỷ đồng, tăng gần 25% so với thời điểm đầu năm.
Còn với Vietnam Airlines trong quý cuối năm 2023, các khoản chi phí của Vietnam Airlines cũng được tiết giảm đáng kể, từ chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, Vietnam Airlines vẫn báo lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng (1.982,2 tỷ đồng)”.
Nhưng như cái cách mà đại biểu Trần Hoàng Ngân nói trên diễn đàn Quốc hội là: “Để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần trong 5 năm”. Về cơ bản, đề nghị này là hợp lý trong trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể này, nhưng nếu cứ tiếp tục lỗ, kể cả sau khi đã được tái cấp vốn, mà vẫn lỗ thì sẽ như thế nào, bởi tiền mà Quốc hội quyết để cấp gia hạn ấy, chính là ngân sách Nhà nước, và ngân sách Nhà nước chính là tiền thuế của dân, có cả phần trích ra từ tiền mua vé máy bay của người bay chính hãng này.
Sáng 29/6, tức hôm kia, tại phiên bế mạc kỳ họp 7 quốc hội XV, các đại biểu đã bấm nút thông qua Nghị quyết cho Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của hãng hàng không quốc gia, để khắc phục khó khăn trước mắt. Tất nhiên quốc hội cũng “giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện, sớm hoàn thiện đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không này sớm phục hồi, phát triển bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định”.
Và ơn giời, một tờ báo hôm qua vừa đưa tin: “Hàng không phục hồi, vé máy bay tăng, Vietnam Airlines chuyển biến tích cực”. Không hiểu vé máy bay tăng là tăng giá hay tăng số lượng (nhiều) vé, dù là người hay bay, tôi thấy các chuyến bay bây giờ đa phần đều full khách, tức nhu cầu bay của người dân đang rất cao.
Nhưng nếu tôi là người có trách nhiệm của Vietnam Airlines, tôi sẽ ghi nhớ câu này của đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, trước khi bấm nút đồng ý Nhà nước tiếp tục rót vốn cho Vietnam Airlines, ông nói: “Phải thấu đáo, căn cơ để có phương án, chứ cứ báo lỗ lại lấy tiền ra nuôi thì nguy hiểm quá”. Ông nhấn mạnh: Phải tái cấp vốn nhưng nghiên cứu vì sao lỗ, nguyên nhân từ đâu, không có lời giải là rất nguy hiểm và hệ lụy về sau khó lường.
Lại nhớ lời bà Nghị Quế: “Tiền có phải vỏ hến đâu?”. Lâu lắm trong đề thi của ngành giáo dục không thấy nhắc tới câu này.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhat-chuyen-vietnam-airlines-a670818.html