Đổ thải lấp sông
Theo những người dân tại thôn Đông Sông (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) từ khoảng 2 năm nay, khu vực sông Pô Kô bị hàng nghìn m3 đá thải vùi lấp gây sạt lở, thay đổi dòng chảy.
Có mặt tại đây, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, dưới chân kè chống sạt lở của sông xuất hiện bãi đất đá thải dài hơn 100m, đoạn rộng nhất khoảng 30m lấn ra lòng sông, mặt đất cao hơn dòng chảy Pô Kô trên 1m, có chỗ cao khoảng 1,5m.
Ông A Nheo (ngụ thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei) cho biết, mùa mưa lũ trên sông Pô Kô rất dữ dội. Phía thượng nguồn đổ về thành lũ ống, lũ quét khiến cây cối, hoa màu đất đai của người dân bị cuốn trôi. Nếu lấn dòng ra giữa sông như vậy, lũ về sẽ xói lở bãi bồi bên kia và cuốn hết hoa màu của người dân.
Cũng theo ông A Nheo, việc đổ đất lấp sông xuất phát từ việc xây dựng công trình Huyện ủy Đăk Glei cách đó vài trăm mét. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei khi triển khai mặt bằng dự án đã san quả đồi, tập kết đất đá trước mặt khu dân cư Đông Sông rồi đổ xuống chân bờ kè.
Liên quan đến vấn đề việc đổ thải xuống lòng sông Pô Kô, ông Nguyễn Văn Hiềng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đăk Glei cho biết, việc đổ thải dưới lòng sông là do Công ty Tuấn Dũng (trụ sở tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) xây bờ kè chống sạt lở, sau đó đổ đất này gần với chân kè.
Còn việc tập kết đất đá như núi trước mặt khu dân cư Đông Sông, ông Hiềng lý giải là do quá trình xây dựng khu dân cư, đất đá tập kết về để san nền. Nhưng, hiện còn một số hộ dân chưa giải phóng mặt bằng được nên đất đá đổ lên cao, sau này giải phóng mặt bằng được thì dùng máy san ra.
Chống sạt lở?
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Tuấn Dũng, thừa nhận việc đổ đất vào chân bờ kè sông Pô Kô. Nhiều năm qua, đơn vị thi công kè chống sạt lở ở sông Pô Kô, nhưng tỉnh Kon Tum không nghiệm thu thanh toán. Sau đó, huyện lại cấp đất cho người dân chồng lên công trình, gây chồng lấn nên càng khó thanh toán.
Năm 2023, để chống sạt lở mùa mưa, công ty đã mua đất đổ vào chân bờ kè với chiều dài hơn 100m, cao 2m để phòng lũ làm hư hỏng kè. Nếu không đổ đất, mưa lũ sẽ làm hư hại công trình chưa nghiệm thu.
Khi PV đặt vấn đề việc đổ đất chân bờ kè đang lấp sông Pô Kô, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bãi bồi, vị đại diện công ty cho rằng: “Chỗ đó năm nào cũng sạt, chúng tôi có các video bằng chứng ghi lại việc này. Sông thì bên lở bên bồi, chúng tôi lấp bên lở, đoạn xung yếu để bảo vệ công trình thôi”.
Một cán bộ ngành chức năng tỉnh Kon Tum cho rằng, việc đổ đất chân bờ kè nhưng tràn xuống sông Pô Kô là vi phạm Luật Tài nguyên nước. “Luật nghiêm cấm việc xây dựng công trình trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, cũng như việc xây dựng các công trình trong hành lang bảo vệ nguồn nước”, vị này nói.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kon-tum-hang-nghin-m3-da-trai-phep-vui-lap-song-po-ko-a667297.html