Vô số những chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II (Tia chớp) hoàn toàn mới hiện đang nằm “phủ bụi” trong kho có thể bắt đầu được giao ngay trong tháng 7, sau gần một năm trì hoãn, nếu bản dựng hiện tại của phần mềm Tech Refresh 3 (TR-3) tỏ ra ổn định và an toàn, Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35 (JPO) cho biết.
Khách hàng đang chờ F-35, bao gồm cả các đơn vị của Quân đội Mỹ, đã đồng ý tạm thời chấp nhận những chiếc tiêm kích với phiên bản “rút gọn” của gói phần mềm TR-3 để đảm bảo tiến độ giao hàng. Gói phần mềm TR-3 “rút gọn” đang chuẩn bị được phê duyệt, một phát ngôn viên của JPO cho biết.
“Phần mềm phải ổn định, có khả năng và có thể bảo trì, đồng thời trải qua chế độ kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo nó sẵn sàng cho phi công sử dụng một cách an toàn”, vị phát ngôn viên cho biết.
JPO sẽ không cung cấp các số liệu chỉ để làm hài lòng Giám đốc điều hành Chương trình, Trung tướng Michael Schmidt, vì đảm bảo các điều kiện cho vận hành an toàn là điều quan trọng. Tuy nhiên, các thông số có thể được chia sẻ với các đơn vị của Quân đội Mỹ, các đối tác và khách hàng của Chương trình Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS) của Mỹ nếu thích hợp.
Một khi phần mềm được coi là an toàn và ổn định và “kế hoạch chấp nhận rút gọn TR-3 được phê duyệt, phần mềm sẽ được cài đặt trên máy bay, một quy trình khá đơn giản và máy bay sẽ có mã hiệu DD250’d”, người phát ngôn của JPO cho biết, đề cập đến tài liệu và quy trình mà chính phủ chấp nhận máy bay từ nhà thầu.
Tuy nhiên, tháng 7 là một thời hạn “có một số rủi ro” vì những gì vẫn có thể xuất hiện trong quá trình thử nghiệm, JPO cho biết.
Các nguồn tin trong ngành và chính phủ cho biết tính ổn định của phần mềm là vấn đề lớn nhất trong quá trình thử nghiệm hiện nay, vì hệ thống có thể bị treo trong khi thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu khởi động lại.
Các nguồn tin cho biết, điều này có thể xảy ra nhiều lần trong một lần xuất kích, tạo ra các vấn đề tiềm ẩn về an toàn nếu nó xảy ra bên ngoài môi trường thử nghiệm, nơi mà vấn đề được hiểu rõ và có sẵn các phương án dự phòng.
Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin đã chế tạo ít nhất 80 máy bay ở cấu hình TR-3 và đã được đưa thẳng vào kho nằm chờ trong khi gói phần mềm TR-3 đầy đủ được thử nghiệm.
Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) gần đây ước tính rằng sẽ mất khoảng một năm để giao tất cả số máy bay đó, bởi vì những chiếc mới vẫn đang được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất.
Theo GAO, khi việc giao hàng được bắt đầu, Lockheed Martin có thể giao 20 chiếc F-35 mỗi tháng – tức khoảng mỗi chiếc cho một ngày làm việc. Tuy nhiên, tỉ lệ bàn giao cao nhất cho đến nay là 13 máy bay/tháng.
GAO cũng cho biết Lockheed Martin sắp hết chỗ để cất giữ các máy bay phản lực và sẽ phải tìm một nơi khác để đỗ chúng nếu việc giao hàng không sớm được tiếp tục.
Cả JPO và Lockheed Martin đều không cho biết các máy bay phản lực đang được cất giữ ở đâu do lo ngại về an ninh.
Bản nâng cấp Tech Refresh 3 (TR-3) cho F-35 là một nỗ lực hiện đại hóa đáng kể nhằm nâng cao sức mạnh tổng thể của tiêm kích. Bản nâng cấp này rất quan trọng để duy trì lợi thế của F-35 trong các tình huống chiến đấu hiện đại, nơi các mối đe dọa tiên tiến và công nghệ phát triển nhanh chóng đòi hỏi phải cải tiến liên tục.
Một trong những thành phần cốt lõi của bản nâng cấp TR-3 là việc giới thiệu Bộ xử lý lõi tích hợp (ICP) mới, giúp tăng cường đáng kể khả năng tính toán của F-35, cho phép nó xử lý nhiều dữ liệu hơn với tốc độ nhanh hơn.
Một tính năng quan trọng khác của bản nâng cấp TR-3 là tăng cường bộ nhớ và khả năng lưu trữ của máy bay. Bộ nhớ tăng lên cho phép F-35 xử lý dữ liệu nhiệm vụ phức tạp hơn và lưu trữ lượng thông tin lớn hơn, điều này rất quan trọng đối với các nhiệm vụ và hoạt động kéo dài đòi hỏi phân tích và lưu trữ dữ liệu rộng rãi.
So với phiên bản TR-2 trước đó, bản nâng cấp TR-3 thể hiện bước nhảy vọt đáng kể về công nghệ. Khả năng nâng cao của TR-3 đảm bảo rằng F-35 có thể tích hợp và sử dụng các công nghệ và hệ thống mới mà cấu hình TR-2 không thể thực hiện được.
F-35, còn được gọi là Lightning II, là dòng máy bay chiến đấu đa chức năng tàng hình, được phát triển bởi Lockheed Martin. Nó được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất, trinh sát và phòng không với khả năng tàng hình tiên tiến.
Chương trình F-35 bao gồm 3 biến thể chính: F-35A cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL); F-35B cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và F-35C dùng trên tàu sân bay (CV).
Minh Đức (Theo Air & Space Forces, Bulgarian Military)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tin-vui-cho-khach-hang-dang-mon-moi-cho-doi-tiem-kich-tang-hinh-f-35-a666537.html