Hãng bay thua lỗ, Cục Hàng không lại tăng thu
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ngày 29/5, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) đề cập đến giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, ảnh hưởng đến thu hút du lịch trong nước.
Ông Mạc chỉ ra, giá vé máy bay tăng cao, số máy bay giảm mạnh 40 máy bay còn khoảng 170 máy bay, tương đương 20% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tái cấu trúc khiến đường bay trong nước bị cắt giảm hoặc giảm tần suất, đồng thời giá nhiên liệu tăng cao.
“Các yếu tố trên đã khiến giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch nội địa và nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến giải pháp của tình trạng này”, ông Mạc nói.
Đại biểu đoàn Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ cân nhắc có giải pháp để giảm giá máy bay nội địa, từ đó giảm chi phí đi lại cho người dân. Đồng thời, góp phần thu hút thêm khách du lịch trong nước, quốc tế, kích cầu hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa và tăng tính cạnh tranh của các tour du lịch so với tour du lịch nước ngoài.
Ông Mạc cũng nhắc lại một số giải pháp đã được chuyên gia, các nhà quản lý đang thảo luận như có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan và giảm giá trong dịch vụ hàng không. Đặc biệt là cần tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay và đưa vào khai thác một số máy bay đang bị bỏ, không gây lãng phí.
Trong phần phát biểu sáng nay (29/5), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ quan tâm về thực trạng giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến vấn đề đi lại của người dân. Ông cho biết các hãng bay thua lỗ nhiều năm liền nhưng Cục Hàng không (Bộ GTVT) lại tăng thu.
“Các hãng hàng không cho rằng lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bị thu nhiều loại phí tại sân bay của Cục Hàng không. Việc thu phí giao thông thủ công tại các trạm của sân bay cũng gây bức xúc cho khách hàng”, đại biểu nói và đề nghị Bộ GTVT trả lời vấn đề này.
Giá vé máy bay cao không do phí dịch vụ
Trước đó, ngày 24/5, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, giá vé máy bay cao không phải do giá dịch vụ hàng không.
Cụ thể, cơ quan quản lý ngành hàng không cho biết cơ cấu chi phí 1 chuyến bay gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, nhiên liệu hàng không chiếm 37-42%. Trong đó, chi phí thuế do Bộ Tài chính quy định chiếm tỉ trọng 7,7-8,7% tổng chi phí một chuyến bay.
Thứ hai, chi phí thuê mua tàu bay, sửa chữa bảo dưỡng tàu bay chiếm 32-41%. Thứ ba, chi phí phục vụ chuyến bay chiếm 6-7%, bao gồm cả các dịch vụ do Bộ GTVT định giá và các dịch vụ do doanh nghiệp quyết định.
Cuối cùng, là chi phí bán hàng, quản lý, chi phí khác khoảng 16-19%… do doanh nghiệp quản trị.
“Như vậy, cơ quan Nhà nước có thể điều tiết giảm chi phí chuyến bay thông qua việc giảm chi phí liên quan. Cụ thể, có thể giảm thuế nhập khẩu nhiên liệu, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, hiện chiếm 7,7-8,7% tổng chi phí một chuyến bay. Phần chi phí dịch vụ do Bộ GTVT định giá tác động không lớn”, Cục Hàng không cho hay.
Hiện nay, các dịch vụ do Bộ GTVT quy định gồm điều hành bay đi/đến (VATM thu); dịch vụ cất cánh/hạ cánh tàu bay; dịch vụ cho thuê sân đậu tàu bay; dịch vụ cho thuê quầy thủ tục hành khách; dịch vụ cho thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói; dịch vụ phân loại tự động hành lý đi; dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không; dịch vụ sử dụng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu (do ACV thu).
Đối với các chi phí trong vấn đề nhiên liệu, hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 2-2,3% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang có mức thu khoảng 1.000 đồng/lít, được áp dụng đến hết năm 2024.
Thuế VAT đối với nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 3,4-3,8% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang là 10% và thuế nhập khẩu nhiên liệu bay (chiếm tỉ trọng 2,3-2,6% tổng chi phí 1 chuyến bay) đang ở mức 7%.
Ngoài ra, trong cơ cấu giá vé, còn có các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh. Cụ thể, giá phục vụ hành khách 60.000-100.000 đồng; giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý là 20.000 đồng.
Chưa kể, còn có thuế VAT 8-10% tùy từng thời điểm. Đồng thời, có các khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm như suất ăn, mua thêm hành lý, bảo hiểm… Theo Cục Hàng không, đây là khoản thu không bắt buộc, do khách hàng lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-nghi-bo-gtvt-tra-loi-viec-gia-ve-may-bay-tang-cao-a665892.html