Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
ĐBQH Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một đạo luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu lao động đã và đang làm việc, kể cả những người đã mất và gia đình họ. Do đó, việc nghiên cứu, xem xét các quy định của dự án Luật là đặc biệt quan trọng đối với Quốc hội, được cử tri cả nước quan tâm.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập.
Đại biểu Ma Thị Thúy cũng cho rằng cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang Kỳ họp thứ 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cùng nêu ý kiến, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho biết, hầu hết các quy định trong dự thảo luật đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến chính sách tiền lương vì đây là căn cứ để thu chi và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Qua nghiên cứu các báo cáo, đại biểu cho biết nội dung này có sự chưa thống nhất. Cho đến nay chưa có báo cáo đánh giá đầy đủ tác động chính sách gửi đến ĐBQH theo đúng quy định.
Đại biểu cho rằng, việc sử dụng cũng như chính sách liên quan đến BHXH là vấn đề rất lớn. Do đó, việc thay đổi chính sách này không thể không lấy ý kiến rộng rãi người lao động trong bối cảnh cải cách tiền lương.
Trong khi tiền lương sẽ có thay đổi căn bản từ 1/7/2024 và không rõ mức tham chiếu sẽ được xây dựng và tổ chức thực hiện như thế nào. Mặt khác, việc này cũng phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7.
Theo đại biểu, chính sách BHXH là sự chia sẻ giữa các thế hệ, không chỉ là nguyên tắc đóng hưởng của mỗi cá nhân. Do đó, với người đang làm việc, BHXH hôm nay sẽ có tác động đến lương hưu của người đã nghỉ hưu và sự chia sẻ giữa các thế hệ cần được quan tâm trong quá trình cải cách tiền lương. Phải làm sao để người làm việc và người nghỉ hưu không có khoảng cách khá xa về tiền lương.
Vì vậy, đại biểu đề nghị có đánh giá tác động và nghiên cứu thấu đáo. Về thời điểm thông qua luật, đại biểu kiến nghị nên thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương (1/7).
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/de-nghi-lui-thoi-gian-thong-qua-luat-bao-hiem-xa-hoi-sua-doi-a665521.html