Chia sẻ về xu hướng chuyển đổi xe điện trong ngành vận tải tại tọa đàm “Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam” diễn ra vào ngày 24/5, ông Phan Thanh Uy – Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, những năm vừa qua, các doanh nghiệp vận tải đặc biệt là các doanh nghiệp taxi đều dành sự quan tâm rất lớn đối với việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện.
Nhiều doanh nghiệp taxi chủ động đến văn phòng hiệp hội để tham vấn, chủ động tiếp cận các công nghệ mới về xe điện. Nhiều doanh nghiệp đến tận nhà máy, sang nước ngoài để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Có đơn vị đã lên kế hoạch đưa về cả xe container chạy điện.
“Nắm bắt nhu cầu của các doanh nghiệp và chuyển động của thị trường, từ năm 2022 đến nay, tất cả chương trình hoạt động của hiệp hội đều có nội dung về chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch, không chỉ tuyên truyền mà còn có sự tham vấn, tư vấn từ doanh nghiệp, cũng như các buổi giới thiệu về công nghệ giảm thiểu khí nhà kính.
Sau Nghị định 06, hiệp hội đã tìm hiểu và tham vấn về vấn đề kiểm kê phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp vận tải. Cùng đó, hiệp hội đã có những kiến nghị về việc làm thế nào để các doanh nghiệp trực thuộc có thể sẵn sàng tham gia thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trên thế giới.
Hiệp hội cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải về Quyết định 876, yêu cầu từ năm 2031 các phương tiện taxi mua mới đều phải dùng nhiên liệu sạch”, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Uy, với xu hướng hiện tại, khi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, khung pháp lý và nguồn tài chính thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đồng loạt thực hiện chuyển đổi.
Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi phương tiện xanh, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, họ sẽ quan tâm về mặt tài chính có lợi hay không. Nhưng phía Nhà nước sẽ có lợi khi thực hiện được cam kết giảm phát thải khí CO2.
Do đó, theo ông Phúc, bài toán chính sách đưa ra cần đảm bảo được sự cân bằng hài hoà giữa hai vấn đề này, Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.
Trong đó, cần lưu ý đến chính sách về giá vốn, “làm thế nào để huy động được vốn “xanh”, sao cho các doanh nghiệp bé, nhỏ muốn chuyển đổi phương tiện xanh vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn này cùng với đó là những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện dễ dàng. Từ đó sẽ có ngày càng nhiều người tiên phong”, ông Phúc nói.
Chuyên gia cũng cho rằng, cần có chính sách phát triển trạm sạc, một mình VinFast làm sẽ rất khó để phủ rộng mạng lưới trạm sạc đáp ứng nhu cầu của người dùng.
“Do đó, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy để có thêm nhiều đối tác tham gia xây dựng trạm sạc, hướng đến cùng chia sẻ sử dụng cho tất cả các loại xe điện”, ông Phúc nói.
Từ kinh nghiệm trên thế giới, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng, cần có những nghiên cứu khoa học cụ thể để có căn cứ chứng minh lợi ích của việc chuyển đổi phương tiện đối với xã hội. Từ đó mới có cơ sở thuyết phục Chính phủ đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho xe điện
Về phía đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Anh – Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Về ngành giao thông, ngay sau khi Chính phủ có Quyết định 876, Bộ GTVT có Quyết định 1679 ngày 2/12/2023 yêu cầu các cơ quan có liên quan triển khai kế hoạch thực hiện.
Cục Đường bộ Việt Nam sau đó cũng ban hành Quyết định 1006 ngày 6/2/2024 về việc triển khai Quyết định 1679 của Bộ GTVT, trong đó đưa ra các lộ trình và giải pháp để thực hiện.
Cụ thể sẽ rà soát sửa đổi toàn bộ Luật chuyên ngành, văn bản dưới luật để xây dựng các quy định cơ sở hạ tầng sạc điện trên hệ thống giao thông đường bộ, cao tốc đưa vào dự thảo Luật Đường bộ.
Cùng đó, cập nhật lại tất cả các quy định quản lý về phương tiện, thiết bị phù hợp với kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, sạch
Đồng thời, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ, đề xuất bổ sung mạng lưới hạ tầng cung cấp nguồn năng lượng xanh vào quy hoạch chi tiết kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, theo đó, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm. Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam còn đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt – phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.
Song song với đó, sẽ xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/huy-dong-nguon-von-xanh-cho-doanh-nghiep-van-tai-chuyen-doi-xe-dien-a665136.html