Xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, Mộ Dung Bác là một cao thủ của võ lâm Trung Nguyên, nhưng nguồn gốc không phải người Hán, ông là người Tiên Ty thuộc dòng tộc nước Đại Yên ngày xưa. Sau bị nhà Bắc Nguỵ diệt, con cháu họ Mộ Dung tản cư đi khắp nơi nhưng vẫn truyền đời dặn con cháu hoài bão ý niệm trung hưng phục quốc.
Mộ Dung Bắc luôn mang trong mình di chí của gia tộc, nếm mật nằm gai chờ cơ hội phục quốc (khôi phục nước Yên). Ông đặt tên con là Mộ Dung Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông.
Để đạt được mục tiêu này, chỉ khi xảy ra chiến tranh giữa Đại Tống và Đại Liêu thì ông ta mới có cơ hội làm “ngư ông đắc lợi”, dấy quân khởi nghĩa. Chính vì tham vọng chính trị đó mà Mộ Dung Bác đã phao một tin đồn rằng có một đoàn các cao thủ Khiết Đan sang tấn công chùa Thiếu Lâm, nhằm cướp các bảo điển kinh thư về Đại Liêu. Thực chất, đoàn người ấy chỉ là đại gia đình Tiêu Viễn Sơn.
Tin đồn này đã gây hiểu nhầm lớn, khiến cho các cao thủ hàng đầu các bang phái của Trung Nguyên lúc đó do Huyền Từ của Thiếu Lâm tự chỉ huy, công thêm lời xúi giục của Mộ Dung Bác, nên các cao thủ quyết định ra Nhạn Môn quan mai phục chặn đánh, gây nên vụ huyết án tại Nhạn Môn quan, đẩy gia đình Tiêu Viễn Sơn vào chỗ chết và khởi đầu cho cuộc đời đầy bi kịch của Tiêu Phong (con trai Tiêu Viễn Sơn) về sau.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện kế hoạch này, Mộ Dung Bác lại giả chết và ẩn náu trong nhiều năm. Lý do cho hành động này của ông xuất phát từ hai yếu tố chính:
Tránh sự trừng phạt
Sau khi vụ thảm sát Nhạn Môn quan, từ dòng tuyệt bút trăn trối của Tiêu Viễn Sơn các cao thủ Trung Nguyên mới biết mình đã sát hại nhầm người. Mộ Dung Bác, với vai trò chủ mưu, hiểu rõ rằng mình sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt tàn khốc. Việc giả chết là cách duy nhất để ông thoát khỏi sự truy lùng và bảo toàn mạng sống.
Tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng
Mặc dù kế hoạch tại Nhạn Môn quan thất bại, Mộ Dung Bác vẫn không từ bỏ tham vọng phục quốc. Ông tin rằng mình cần có thời gian để rèn luyện bản thân và xây dựng lực lượng mạnh mẽ hơn trước khi thực hiện mưu đồ tiếp theo. Việc giả chết để ẩn náu trong chùa Thiếu Lâm giúp ông có cơ hội tiếp cận và học trộm những bí kíp võ công quý giá, đồng thời âm thầm chuẩn bị cho ngày trở lại phục quốc.
Có thể thấy, việc Mộ Dung Bác giả chết là một quyết định mang tính chiến lược, giúp ông thoát khỏi nguy hiểm và tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng phục quốc. Tuy nhiên, hành động phục quốc mà bất chấp thủ đoạn của Mộ Dung Bác đã gây ra vụ thảm sát Nhạn Môn quan, khiến nhiều người vô tội phải chết, dẫn đến những bi kịch liên tiếp về sau cho võ lâm.
Qua câu chuyện của Mộ Dung Bác nhấn mạnh cho chúng ta rằng, cần luôn tỉnh táo và cảnh giác trước những thông tin chưa được kiểm chứng và những kẻ có ý đồ xấu. Việc phân biệt thiện ác, đúng sai không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ cộng đồng khỏi những âm mưu và hậu quả đáng tiếc. Trong cuộc sống, sự tỉnh táo và sáng suốt là vô cùng cần thiết để tránh bị lừa dối và gây ra những hậu quả không mong muốn.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.
Quốc Tiệp
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-ly-do-khien-cao-thu-hang-dau-mo-dung-bac-gia-chet-a663837.html