Phòng ngừa, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi các chất gây nghiện
Sáng 4/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình Trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn biểu dương Ủy ban Xã hội là cơ quan đầu tiên của Quốc hội có sáng kiến tổ chức thực hiện giám sát thông qua tổ chức các phiên giải trình từ năm 2010.
Đến nay, Ủy ban Xã hội (trước đây là Ủy ban các vấn đề xã hội) đã tổ chức 17 phiên giải trình. Các phiên giải trình của Ủy ban Xã hội đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây chính là thực hiện Nghị quyết số 969 ngày 25/1/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định, phiên giải trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các kiến nghị, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng mà còn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với việc phòng ngừa, bảo vệ thanh niên, thiếu niên khỏi các chất gây nghiện, góp phần hoàn thiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Để phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thứ nhất, cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.
Thứ hai, làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật; bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thứ tư, quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước.
Thứ năm, sau phiên giải trình, đề nghị lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội giám sát và Báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh đến yêu cầu của công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội, mặt trận tổ quốc và các tổ chức – chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Tham gia đặt câu hỏi tại phiên giải trình, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đặt vấn đề, trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Công Thương lại đề xuất thí điểm thuốc lá mới, đưa thuốc lá mới vào quản lý như đối với thuốc lá thông thường. Đại biểu đề nghị đại diện Bộ Công Thương làm rõ lý do, căn cứ của đề xuất này, đặc biệt là về tác động của đề xuất này, Nhà nước và người dân sẽ có được những lợi ích gì từ đề xuất này?
Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng bày tỏ đồng tình quan điểm cần đặt việc bảo vệ sức khỏe của người dân, của cộng đồng lên trên hết. Bộ Công Thương với vị trí, vai trò đặc thù của mình đã soạn thảo các báo cáo, đề xuất trên tinh thần hướng đến quản lý xã hội một cách tốt nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khoản 19 Điều 1 Nghị định số 106 của Chính phủ ngày 14/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá có quy định: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức có liên quan nghiên cứu xây dựng quy định phù hợp để quản lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, trình Thủ tướng Chính phủ.
Về cơ sở thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, trên thế giới các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã ra đời từ lâu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng người sử dụng, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang rất nhiều. Nhận thấy các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả, nên Bộ Công Thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này.
Phát biểu kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
Chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này.
Ngoài ra, các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và đặc biệt là đối với thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/can-danh-gia-tac-hai-cua-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong-a662047.html