noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môVai trò của tư nhân trong xanh hoá nền kinh tế

    Vai trò của tư nhân trong xanh hoá nền kinh tế

    Môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong xanh hóa nền kinh tế vốn đòi hỏi nhiều vốn, công nghệ và thời gian…

    Tăng trưởng xanh và những kết quả đạt được

    Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, dịch vụ thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực năng lượng và môi trường cũng có xu hướng tăng, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời và điện gió. 

    Các doanh nghiệp FDI có sự chuyển hướng rõ nét, chú trọng các lĩnh vực của kinh tế xanh như: Năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp – nông nghiệp công nghệ cao…. Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. 

    Kinh tế vĩ mô - Vai trò của tư nhân trong xanh hoá nền kinh tế

      ThS. Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

    Đến năm 2023, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như năng lượng tái tạo, các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

    Bên cạnh đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo hộ các công nghệ xanh. Trong tổng số đơn đăng ký sáng chế công nghệ xanh giai đoạn 2000-2018, Nhật Bản chiếm 23%, Hoa Kỳ 15%, Việt Nam 13%, Đức 8,7% và Hàn Quốc 5,3% số chủ đơn. Doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo xanh dù chưa nhiều nhưng đã xuất hiện tại nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, ngành hàng tiêu dùng, chăn nuôi, xử lý chất thải, lĩnh vực năng lượng, logistics…

    Tiềm năng, thách thức và các giải pháp đồng bộ

    Theo nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho năng lượng tái tạo ở ASEAN nhờ một số yếu tố như nguồn tài nguyên sẵn có (năng lượng mặt trời/năng lượng gió), nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của chính phủ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn liên quan đến vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hành lang pháp lý và các chính sách hiện hành liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng xanh cần hoàn thiện thêm, ví dụ các chính sách liên quan đến thị trường giao dịch carbon trong nước, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn, mua sắm công xanh, các chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn.

    Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa – với quy mô và nguồn lực còn hạn chế, khả năng tiếp cận vốn vay còn khó khăn trong khi đầu tư vào các nhà máy điện gió, điện mặt trời và hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh mới có thể tham gia thị trường.

    Kinh tế vĩ mô - Vai trò của tư nhân trong xanh hoá nền kinh tế (Hình 2).

    Nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội đối với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn ngày càng gia tăng.

    Để thu hút và thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực thi chính sách. 

    Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư tư nhân nói chung và đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh nói riêng. Một môi trường kinh doanh với sự minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư sẽ tạo niềm tin và sự sẵn sàng của các nhà đầu tư tư nhân cho các dự án xanh vốn đòi hỏi nhiều vốn, công nghệ và thời gian tạo ra lợi nhuận. 

    Thứ nhất, lồng ghép kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh trong các chiến lược phát triển kinh tế xã hội để thể hiện quyết tâm nhất quán của Chính phủ hướng tới nền kinh tế xanh. Ban hành chiến lược giảm phát thải khí nhà kính theo từng ngành công nghiệp cụ thể và các tiêu chuẩn ngành về phát thải khí nhà kính.

    Thứ hai, sử dụng các công cụ, cơ chế tài chính để thúc đẩy quá trình giảm phát thải thông qua việc tham khảo kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới áp dụng thuế đối với các nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch hay sử dụng thuế carbon hoặc thuế xanh.

    Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thu hút đầu tư thông qua nguồn vốn ngân sách từ đó chia sẻ phần nào rủi ro và giúp các doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn tham gia vào quá trình đầu tư giảm phát thải.

    Thứ tư, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, tăng năng lực cạnh tranh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xanh qua nhiều ưu đãi và cơ chế như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu hao nhanh tài sản cố định, và hoàn thiện cùng tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong đầu tư.

    Thứ năm, hợp tác phát triển đồng thời phát triển đội ngũ tư vấn cung cấp các thông tin dự án xanh cho doanh nghiệp biết và học tập ứng dụng hoặc tăng khả năng đánh giá các dự án xanh từ phía ngân hàng.

    Thứ sáu, huy động khu vực tư nhân vào các dự án tăng trưởng xanh thông qua các cơ chế tài chính như: Thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh qua cơ chế trái phiếu tác động môi trường; Phát hành trái phiếu xanh; Chương trình dịch vụ chi trả cho đa dạng sinh học và lưu vực đầu nguồn; Quỹ bù đắp carbon và tận dụng thị trường tín chỉ carbon; Hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng giao thông xanh.

    ThS. Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU