Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, bên cạnh võ công thượng thừa còn có cả những binh khí uy chấn giang hồ như Huyền thiết trọng kiếm, Kim xà kiếm, Ỷ thiên kiếm, Đồ long đao, Chủy thủ… được người đời xem như báu vật. Trong số này, Đồ long đao chính là binh khí gây ra nhiều thảm kịch nhất.
Đồ long đao là món vũ khí được vợ chồng Quách Tĩnh và Hoàng Dung rèn lại từ thanh Huyền thiết trọng kiếm. Đồ long đao được mô tả là một thanh đao to bản, đen trũi, nặng hơn trăm cân, tuy thô kệch nhưng rất sắc bén. Sau khi quân Mông Cổ phá được thành Tương Dương thì cả nhà Quách Tĩnh đều tự sát nên Đồ long đao rơi vào tay quân Mông Cổ.
Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký của cố nhà văn Kim Dung, Đồ long đao xuất hiện kèm theo lời đồn ai sở hữu được thanh đao Đồ long thì có thể làm minh chủ võ lâm, có quyền hiệu lệnh thiên hạ theo như câu nói: “Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ long, hiệu lệnh thiên hạ” (Bảo đao Đồ long là võ lâm chí tôn, có thể hiệu lệnh thiên hạ). Lời đồn ấy đã gieo rắc lòng tham trong lòng nhiều người, khiến họ bất chấp mọi thủ đoạn để tranh đoạt. Những vụ án mạng, những cuộc chiến đấu đẫm máu, và những bi kịch gia đình đã xảy ra vì sự thèm khát quyền lực mà Đồ long đao mang lại.
Theo diễn biến truyện, ban đầu Du Đại Nham, đệ tử thứ ba của Trương Tam Phong phái Võ Đang, trên bước đường giang hồ hành hiệp, do cứu người hoạn nạn mà tình cờ có được Đồ long đao, nhưng sau đó lại bị Ân Tố Tố, con gái của Ân Thiên Chính – giáo chủ Thiên Ưng giáo, đả thương và chiếm đoạt Đồ long đao.
Ân Tố Tố có được đao đã đem ra đảo Vương Bàn Sơn, tổ chức một đại hội giữa một số phái để khoe Đồ long đao. Tại đây xảy ra một vài cuộc tranh tài giữa Trương Thúy Sơn và các cao thủ võ lâm. Giữa lúc đó thì Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn xuất hiện, sát hại các cao thủ, đoạt đao Đồ long đao và thách đấu với Trương Thúy Sơn. Tạ Tốn chịu thua khi thi viết chữ nên tha chết cho Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố nhưng dùng tuyệt kĩ Sư tử hống hạ sát tất cả những người khác trên đảo, trừ vài người có nội công cao cường chỉ bị điên dại, hoặc bị ngất trước đó nên không sao cả.
Sau này cũng chính vì Đồ long đao mà Tạ Tốn bị cả giang hồ truy lùng, ngay cả Kim Hoa bà bà người thân thiết với Tạ Tốn cũng hãm hại ông để cướp đao. Gia đình Trương Thúy Sơn thì gặp thảm kịch vì bị các nhân sĩ võ lâm bức ép nói ra nơi ở của Tạ Tốn để đoạt Đồ long đao. Còn Diệt Tuyệt Sư Thái vì giấc mộng làm phát dương quanh đại phái Nga Mi mà sẵn sàng ép Chu Chỉ Nhược vì Đồ long đao. Ngoài ra, còn biết bao cao thủ, môn phái và bang hội trong võ lâm cũng tham gia vào cuộc tranh đoạt này và gặp nhiều tổn thất.
Có thể nói cuộc chiến tranh giành Đồ long đao là minh chứng cho sự tàn khốc và nguy hiểm của việc tranh giành quyền lực. Biết bao sinh mạng đã phải hy sinh, bao nhiêu gia đình tan nát bởi lòng tham muốn quyền lực.
Câu chuyện về Đồ long đao cho thấy lòng tham của con người là vô đáy, nó có thể khiến con người trở nên mù quáng, bất chấp đạo lý, sẵn sàng hy sinh mọi thứ để đạt được mục đích. Lòng tham không chỉ huỷ hoại bản thân mà còn mang đến đau khổ cho những người xung quanh.
* Bài viết này là góc nhìn của tác giả. Bạn đọc có thể có những suy nghĩ và ý kiến khác.
Quốc Tiệp
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/kiem-hiep-kim-dung-binh-khi-gay-ra-nhieu-tham-kich-nhat-a660986.html