Vào mùa hè, hóa đơn tiền điện luôn tăng vọt bởi năng lượng tiêu thụ quá cao cộng với giá điện lũy tiến. Thực tế, chúng ta có thể tiết kiệm được kha khá nếu như biết sử dụng điện đúng cách và không lãng phí.
Hầu hết chúng ta đều tin rằng chỉ cần thiết bị ở trạng thái tắt sẽ không tốn điện năng. Tuy nhiên suy nghĩ này là sai lầm. Trên thực tế, có những thiết bị điện dù được tắt vẫn đang “âm thầm” sử dụng điện năng ở chế độ chờ.
Dưới đây là những thiết bị thường “ngốn điện ngầm” mà gia đình nào cũng thường sử dụng:
Sạc điện thoại: Thói quen sạc điện thoại xong nhưng không rút dây sạc ra khỏi ổ điện hầu như ai trong chúng ta cũng từng mắc phải. Thật sai lầm khi nghĩ rằng điều này sẽ không tiêu tốn điện năng, bởi dù không được cắm vào điện thoại nhưng bộ sạc vẫn đang kết nối với nguồn điện, nó vẫn sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng.
Chỉ 1,2 W nhưng nếu cắm liên tục, thiết bị này cũng là thủ phạm làm tăng hóa đơn tiền điện hàng tháng. Không chỉ thế, một sai lầm nhiều người thường mắc phải đó là sử dụng bộ sạc không chính hãng, điều này sẽ khiến năng lượng được tiêu thụ nhiều gấp 10 đến 20 lần.
Mặt khác, việc cắm những bộ sạc rẻ tiền liên tục trong ổ điện mỗi ngày lại tiềm ẩn một số rủi ro cháy nổ.
Bình nóng lạnh: Thói quen không tắt bình nóng lạnh sau khi tắm sẽ gây tiêu tốn rất nhiều điện năng và tiền điện của chúng ta. Vì một khi nhiệt độ bên trong bình nước nóng thấp hơn nhiệt độ cài đặt, máy nước nóng điện sẽ khởi động và tự động làm nóng.
Không những thế, việc quên tắt bình nóng lạnh lâu dài còn khiến bộ phận cảm ứng bị giảm độ chính xác, làm giảm tuổi thọ của bình mà còn là nguyên nhân gây rò rỉ điện, nguy hiểm tới tính mạng gia đình bạn.
Tuy nhiên, thói quen này lại có rất nhiều người hay mắc phải, khiến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Do đó, để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện cho gia đình, hãy nhớ tắt bình nóng lạnh sau khi sử dụng.
Laptop để ở chế độ “ngủ”: Máy tính (cả loại để bàn và laptop) vẫn sẽ hoạt động ngầm ngay cả khi bạn đã tắt nó. Các thiết bị này ngốn khoảng 96W mỗi ngày. Như vậy mỗi tháng, bạn sẽ tốn thêm 3 số điện cho mỗi chiếc máy tính.
Nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ “sleep” thì con số này sẽ đội lên hàng chục lần. Để tiết kiệm điện, hãy tắt nguồn và rút phích cắm khi bạn không sử dụng máy tính.
Quên tắt đèn và điều hòa: Quên tắt các thiết bị điện trong nhà là lỗi hay gặp nhất ở số đông mọi người, có thể do vội vàng hay thói quen. Nếu ở nhà, nhiều người cứ để máy điều hòa chạy cả ngày để không phải chờ phòng mát trở lại, dù bạn rời phòng trong thời gian khá dài; cũng không tắt đèn trong phòng ngủ mỗi khi ra phòng khách xem tivi hay ngược lại.
Đừng nghĩ lượng điện lãng phí ấy không đáng gì, vì nếu mỗi ngày bạn chỉ lãng phí một tiếng thì thời gian tiêu thụ điện vô ích của gia đình bạn mỗi tháng là 20 tiếng.
Bộ phát wifi: Bộ phát wifi là một thiết bị đã trở nên phổ biến trong mỗi gia đình hiện nay. Vì chúng thường được bật 24/24 nên đây cũng là một nguồn tiêu hao năng lượng không nhỏ trong nhà.
Một bộ phát sóng wifi tiêu tốn từ 2W – 20W. Nếu lấy công suất tiêu thụ trung bình là 6W thì thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 368kWh nếu bật cả ngày trong 1 năm, đem nhân với giá điện trung bình trong nước là 1.500 đồng/kWh, thì bạn cần chi trả hơn 550 ngàn đồng tiền điện. Để tiết kiệm điện thì tốt hơn hết bạn hãy ngắt nguồn bộ phát này vào ban đêm khi đi ngủ nhé!
Những biện pháp tiết kiệm điện năng đơn giản, hiệu quả
Bên cạnh việc lưu ý rút phích cắm khi không sử dụng để tránh trường hợp tiêu tốn điện năng vô ích, gia đình bạn nên ghi nhớ thêm những biện pháp giúp tiết kiệm điện năng dễ dàng, đơn giản và vô cùng hiệu quả dưới đây:
1. Vệ sinh thiết bị dùng lâu ngày: Khi thiết bị sử dụng lâu ngày, bụi bẩn bám vào sẽ làm giảm tuổi thọ của thiết bị, gây tiêu tốn nhiều điện năng để hoạt động hơn. Do đó, mọi người cần lưu ý vệ sinh các thiết bị thường xuyên để đảm bảo chất lượng của thiết bị cũng như tiết kiệm điện năng.
Nếu bạn không định kỳ vệ sinh bộ lọc của máy điều hòa, bụi, nấm mốc, các chất ô nhiễm sẽ tích tụ, lâu ngày không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gây tốn điện.
Máy điều hòa nhà bạn phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn để đẩy không khí lạnh đi qua màng lọc bị chất bẩn bịt kín. Vì thế, bạn nhớ kiểm tra các bộ lọc mỗi tháng một lần, làm sạch hoặc thay thế chúng nếu cần. Cần vệ sinh bộ lọc điều hòa thường xuyên.
2. Tránh sử dụng điện trong khung giờ cao điểm: Khung giờ cao điểm thường sử dụng rất nhiều thiết bị điện cùng một lúc. Việc này sẽ gây quá tải điện và ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng như chập cháy, hay mất điện,…
Do đó, gia đình nên tránh sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị điện trong khung giờ cao điểm để đảm bảo lượng điện sử dụng cũng như rủi ro khi sử dụng điện.
3. Chọn thiết bị điện thông minh: Hiện nay có rất nhiều thiết bị thông minh được tích hợp chế độ tiết kiệm điện. Bên cạnh đó sử dụng thiết bị thông minh tránh việc quên tắt các thiết bị điện hay rút thiết bị sau khi sử dụng.
Phổ biến và được sử dụng nhiều nhất hiện nay là thiết bị cảm biến. Thiết bị này có cơ chế bật tắt tự động khi có người trong vùng hoạt động của đèn. Tiện dụng khi sử dụng mà còn tiết kiệm điện năng.
4. Sơn tường và sử dụng các thiết bị nội thất có tông màu sáng: Việc sơn tường và sử dụng các thiết bị nội thất có tông màu sáng cũng là cách tiết kiệm điện trong gia đình.
Với tông màu sáng thì tường và các thiết bị nội thất sẽ có khả năng phản quang tốt hơn, giúp không gian của bạn luôn được sáng sủa hơn, giúp các bạn hạn chế được việc sử dụng đèn điện.
Bên cạnh đó, sử dụng tông màu sáng sẽ tạo cảm giác năng động, tràn đầy sinh lực hơn trong quá trình làm việc và sinh hoạt.
Quỳnh Chi (tổng hợp)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-sat-thu-am-tham-ngon-dien-trong-nha-ma-ban-khong-hay-biet-a659142.html