Nhiều người trong chúng ta, đôi khi ngộ nhận, rằng văn hóa là một cái gì đó thật lớn, thật vĩ mô. Thực tế thì không phải vậy, văn hóa vừa đồng thời là những khía cạnh mang tính bao quát, rộng lớn, như nét đẹp văn hóa của một dân tộc, một quốc gia, một châu lục, nhưng văn hóa vừa đồng thời là những cái rất nhỏ, như chuyện vứt rác, nhổ nước bọt, hay là chuyện trà đá vỉa hè.
Văn hóa là hành vi ứng xử của con người, với thực tế cuộc sống. Văn hóa còn là trầm tích ngàn năm, những điều xưa cũ được bảo tồn.
Định nghĩa văn hóa rất đa dạng và nhiều chiều kích. Với tôi, trà đá vỉa hè là một đặc sản văn hóa của xứ Bắc, đặc biệt là Hà Nội.
Một hoạt động diễn ra thường ngày trong đời sống của một cộng đồng dân cư, theo thời gian, sẽ tạo nên trầm tích văn hóa.
Theo tôi được biết, trà đá vỉa hè có từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, nghĩa là trên dưới ba mươi năm nay. Thời gian tồn tại không quá lâu, nhưng cũng đủ để hình thành nên một nét văn hóa đặc trưng của vùng miền.
Khi xét ở khía cạnh văn hóa, thì ta không nên đồng nhất nó là tốt hay xấu, mà là nó có tương hợp với thời đại hay không. Bản thân văn hóa, nếu không tương hợp với thời đại, thì tự nó bị đào thải, và lùi vào dĩ vãng.
Với trà đá vỉa hè, thời gian càng về sau, đô thị càng phát triển, thì nét riêng văn hóa này càng phát triển.
Tôi là người miền Nam, tuyệt nhiên không có cái gọi là văn hóa trà đá, và đương nhiên là chẳng có khái niệm “bán trà đá”, hay loại hình “kinh doanh trà đá”.
Xét ở góc độ kinh tế, thì rõ ràng trà đá vỉa hè là một kiểu mô hình kinh doanh, buôn bán nhỏ.
Tùy vào điều kiện đặc thù của khu vực, địa điểm, mà mô hình kinh doanh to nhỏ khác nhau. Có nơi chỉ là một con hẻm rất nhỏ, một cụ già để vài ba cái ghế nhựa, một quầy nước nho nhỏ, thì cũng thành một quán trà đá.
Những quán nho nhỏ như này, doanh thu mỗi ngày thường không cao, có lẽ đủ để người chủ quán trang trải cuộc sống. Nhưng có những quán lớn và rộng, nằm ở những địa điểm thuận lợi, thì số bàn ghế nhiều ngang bằng quán nhậu. Lượng khách vào những quán tương đối đông, có khi cùng một thời điểm bán đã trên dưới năm mươi khách.
Với những quán trà đá lớn như này, doanh thu mỗi ngày vào hàng “khủng”. Và đương nhiên, bán trà đá trở thành ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận”.
Những điểm xuyến bên trên, chỉ là bề nổi của cái gọi là “trà đá vỉa hè”, như một khảo sát sơ bộ về một “lĩnh vực đặc thù”. Còn nếu nhìn ở chiều kích văn hoá sâu xa của nó, thì trà đá vỉa hè tạo nên một “nét đẹp văn hóa” mà có lẽ rất ít loại hình kinh doanh nào có thể làm được. Đó là sự gắn kết giữa con người và con người.
Ở miền Nam, không có khái niệm trà đá vỉa hè, bởi đa phần quán ăn ở miền Nam đều có nước dùng miễn phí dành cho khách sau khi ăn, nên gần như khách không có nhu cầu dùng trà đá (hoặc nước uống tráng miệng) sau khi dùng bữa, ở vỉa hè.
Ngoài Bắc thì đặc biệt hơn, những quán ăn thường chỉ bán đồ ăn, không phục vụ trà, nước miễn phí. Mặc dù ngày nay, có sự dung hòa văn hóa, Bắc – Nam có sự ảnh hưởng qua lại nhau, và có nhiều quán ăn ngoài Hà Nội vẫn có nước uống miễn phí dành cho khách ăn, nhưng không nhiều. Hoặc là khách mua thêm cốc trà (nước) để uống, sau ăn. Tuy nhiên, thường thì khách vẫn ăn trong quán xong, rồi ra quán trà đá ngồi. Điều đó như một đặc định thói quen của “người Hà Nội”.
Chính điều này tạo nên “nét đẹp” của văn hóa trà đá vỉa hè. Đó là sự hòa đồng giữa những con người xa lạ.
Vì đặc thù nghề nghiệp là chạy xe ôm, nên tôi được trải nghiệm nhiều nơi, nhiều kiểu trà đá khác nhau, từ trong những con hẻm rất nhỏ, cho đến những quán trà đá rộng lớn. Và ở đó, tôi được trò chuyện với rất nhiều những người xa lạ!
Chúng tôi là những người chưa từng gặp nhau trước đó, nhưng hữu duyên, trao đổi đôi câu ba lời về một chủ đề nào đó, thấy “đối tượng” hợp gu, có điểm chung về chủ đề quan tâm, thế là trò chuyện.
Trong cuộc trò chuyện đó, không có sự phân biệt đối xử, không có cấp bậc xã hội, không có sang hèn gì cả. Mọi người đều như nhau, chỉ cần thấy hợp ý nhau. Dù rằng, sau cuộc hội ngộ khá bất ngờ và ngẫu nhiên đó, chắc chắn chín mươi chín phần trăm là không gặp lại nhau.
Và tôi, một người Nam ra Bắc làm việc, được tiếp cận với mọi người thông qua những quán trà đá vỉa hè, giúp cho tôi mở mang ra thật nhiều kiến thức, hiểu biết xã hội.
Khổng Tử từng bảo: Trong ba người cùng đi, tất có một người là thầy. Cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp, tri thức và hiểu biết vô tận, nên việc ngồi trà đá để được lắng nghe và tiếp thu những hiểu biết từ “người đi trước” thì rất là quan trọng vậy!…
Cũng vì cái sự đặc thù của văn hóa trà đá vỉa hè đó, mà tôi học hỏi được rất nhiều kiến thức, cũng như tiếp xúc được với rất nhiều người khác nhau, từ nhiều thành phần xã hội khác nhau. Điều mà, nếu không có trà đá vỉa hè, thì tôi rất khó có được.
Nhiều người thường nhìn trà đá vỉa hè như một loại hình kinh doanh thuần túy, nhưng về mặt văn hóa (xã hội) thì trà đá vỉa hè còn có một chức năng khác, là gắn kết cộng đồng (dù sự gắn kết đó mang tính thụ động – không chủ định), tạo nên sự kết nối vô hình trong cộng đồng (xã hội).
Và điều đó đã lưu lại trong tôi một hình ảnh đẹp, về “văn hóa trà đá vỉa hè”.
Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về cái gọi là “trà đá vỉa hè”?…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tra-da-via-he-a655215.html