Ngày 21/3, Hội nghị công bố quy hoạch và kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được tổ chức. Phạm vi của Quy hoạch bao gồm toàn bộ phần diện tích đất liền và các huyện đảo có đông dân cư, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng như: Vân Đồn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Phú Quý, Lý Sơn, Phú Quốc, Côn Đảo.
Thủy lợi sẽ đi trước một bước để phục vụ
Bên lề sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã có một số chia sẻ với báo chí về quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, đây là quy hoạch rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Nội dung bản quy hoạch mang đủ tầm của quy hoạch ngành, có nhiều quan điểm, định hướng và nội dung mới mà các quy hoạch liên quan đến thủy lợi, phòng, chống thiên tai trước đây còn thiếu, hoặc chưa đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay và những thách thức trong tương lai.
Chia sẻ về những điểm mới của quy hoạch lần này, Thứ trưởng cho biết: “Đây cũng là một trong những quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt sớm nhất và có nhiều điểm mới. Trong đó, điểm nổi bật của quy hoạch là thủy lợi sẽ đi trước một bước để phục vụ các ngành, lĩnh vực. Trong quy hoạch này lấy nước làm gốc, làm căn cứ cho những quy hoạch khác tuân thủ theo”.
Như vậy, việc chủ động nguồn nước trong tất cả các tình huống sẽ rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Thứ hai, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, chỉ rõ các vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần làm ngay, những vấn đề cần nghiên cứu trong thời gian dài, đảm bảo mục tiêu an ninh nguồn nước rất quan trọng.
Trong đột phá hạ tầng cho nông nghiệp, trong đó có hạ tầng về thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng. Hạ tầng về thủy lợi ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nói chung còn phục vụ cho câu chuyện phát triển bền vững. Nước là nguồn gốc cho tất cả các quy hoạch kinh tế xã hội khác.
Trong phát triển hạ tầng, hạ tầng thủy lợi thì góp phần rất quan trọng, đôi khi là quyết định cho việc phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra. Ví dụ như sạt lở đất, hạn hán, xâm ngập mặn, lũ lụt, thực thi quy hoạch thủy lợi thì sẽ góp phần làm giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Theo ông Hiệp, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng rất nhiều từ biến đổi khí hậu trong tình hình biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, rất nhiều câu chuyện mà đang tác động trực tiếp đến nguồn nước. Ví dụ như là các dòng sông hiện nay đều bị tụt đáy, tức là càng ngày thì các đáy sông càng bị bào mòn.
Những công trình gắn với các dòng sông hiện đang trơ đáy, không lấy được nước và không có nước, gây ra ô nhiễm trong toàn bộ cái hạ du và ngoài ra thì ngoài ô nhiễm ra thì không có nước để sản xuất, để sinh hoạt. Hay là câu chuyện về hạn mặt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hạn mặn là quy luật thông thường của các cái vùng mà giáp biển, tuy nhiên thì những năm gần đây thì hạn và mặn thì đến sớm hơn, kéo dài hơn và nguy cơ càng ngày càng khốc liệt hơn.
“Hay câu chuyện về lũ lụt ở miền Trung, năm nào chúng ta cũng chứng chứng kiến lũ và lụt, nhưng càng ngày lũ lụt ở miền Trung càng cực đoan. Những cái trận lũ lụt ở miền Trung thì gây ra những cái thảm họa nhiều hơn trước rất là nhiều.
Hay là câu chuyện về sụt lún rồi là sạt lở ở miền núi,… đây là những cái vấn đề rất lớn mà thiên tai đang gây ra do biến đổi khí hậu và do tác động của chính con người. Chính vì vậy việc triển khai tốt quy hoạch này sẽ góp phần khắc chế và hạn chế cái rủi ro do thiên tai gây ra”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.
Không dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre
Liên quan đến tình hình sụt lún và thiếu nước, cụ thể là ở Cà Mau cũng như ĐBSCL, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ, ĐBSCL đang ở cao điểm hạn hán mùa khô năm 2024 này. Riêng Cà Mau thì khác, 13 tỉnh ở ĐBSCL là Cà Mau là không có một nguồn nước nào bổ sung, ngoài tích trữ nước tại chỗ. Như vậy thì rõ ràng Cà Mau thì cần có một giải pháp khác.
Như ở huyện Trần Văn Thời, hiện cơ bản không có nước, gây ra sụt lún. Đây là một vấn đề rất lớn, từ đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã đưa ra ba giải pháp. Theo đó, hạn chế lưu thông, đặc biệt xe tải trọng lớn ở những tuyến kênh mương và những tuyến đường kết hợp kênh mương. Đồng thời, tính toán tích trữ nước không tập trung để có thể bơm nước bổ sung cho các vùng sản xuất, vùng thiếu nước ngọt.
Cuối cùng, ở vùng Trần Văn Thời phải chuyển đổi sản xuất từ hai vụ lúa sang một vụ lúa, một vụ tôm. Mùa hạn mặn có thể nuôi tôm, cá, còn mùa mưa trồng lúa. Việc chuyển đổi như vậy vừa ổn định sản xuất, vừa đảm bảo không sụt lún và thu nhập người dân sẽ cao hơn.
Về ý tưởng dẫn nước ngọt về cho Bến Tre, Tiền Giang, Thứ trưởng Hiệp thông tin, Bộ đã nghiên cứu, nhưng riêng câu chuyện dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre thì thời điểm này chưa thực hiện và không thực hiện.
Lý giải, ông Hiệp cho biết: “Nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai hiện đang thiếu. Dù lưu vực sông Đồng Nai đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện tại đang thiếu 5 tỷ m3 nước mỗi năm”.
Lưu vực sông Đồng Nai đang thiếu nước nên không thể dẫn nước đi đâu được. Chưa kể về vấn đề kỹ thuật cũng chưa làm được ở giai đoạn này.
Bên cạnh đó, tại Bến Tre đang có đủ giải pháp để người dân Bến Tre và Tiền Giang có đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt. Ở phía Bắc Bến Tre, Bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre. Theo kế hoạch đến hết năm 2025 cơ bản sẽ hoàn thành, khi đó có một số cống lớn như cống Bến Tre, cống Thủ Cửu… đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.
Ở phía Nam Bến Tre, bộ sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để làm cống Vàm Thơm và Vàm Nước Trong, khi làm xong sẽ đảm bảo nước cho khu vực. Do đó, Thứ trưởng Hiệp nhận định, ở Bến Tre thì không cần phải chuyển nước từ nơi khác về vì ngay tại chỗ có đủ giải pháp để có nước.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quy-hoach-phong-chong-thien-tai-va-thuy-loi-lay-nuoc-lam-goc-a655217.html