Chuyện về vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, dẫn đến một khoản nợ 8,8 tỷ đồng, sau 11 năm, đã làm dư luận xôn xao mấy ngày qua. Chuyện hi hữu liên quan đến Ngân hàng Eximbank, vẫn xảy ra ngoài đời thực, chứ không phải là hư cấu trong phim. Ngân hàng được gì và mất gì, sau vụ việc này, tôi không đủ tư liệu để phân tích, và kết luận. Nhưng ít ra, vụ việc làm dấy lên trong cộng đồng về sự an toàn trong việc sử dụng thẻ tín dụng. Và xa hơn, là vụ việc làm bào mòn đi lòng tin của người dân.
Câu chuyện hi hữu này, làm cho tôi có cảm giác sợ hãi, về mọi thứ, vì tôi nhìn thấy ở đâu cũng đầy nguy cơ và cạm bẫy.
Chuyện còn dấy lên trong tôi những thức niệm về khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Cuộc sống, có những người khi sinh ra đã mang trong mình một vận rủi, như người đàn ông bị ngân hàng đòi 8,8 tỷ đồng kia. Nếu đặt giả thiết, người ấy hoàn cảnh khó khăn, thì biết làm sao? Và tự đâu đó, trong trí nhớ của mình, những câu chuyện tôi đọc được, về những vụ tự tử, liên quan tín dụng “đen”, lại hiển hiện.
Đôi lúc, tôi tự hỏi: Tại sao cái xấu, cái ác lại tồn tại dai dẳng đến vậy? Pháp luật liệu có những chế tài đủ mạnh, để răn đe? Tại sao có những người có điều kiện phát triển tốt, nhưng lại lợi dụng “năng lực” của mình để ra những cú đòn thật hiểm hóc nhằm hạ gục những người yếu thế trong xã hội? Vì sao có rất nhiều người không có lòng trắc ẩn?…
Như câu chuyện về một người phụ nữ, sau hơn hai mươi lăm năm lao động cật lực nơi thành phố, tích lũy được gần năm trăm triệu đồng, để về quê hưởng tuổi già (khi không còn sức để lao động nữa). Và rồi, đầu tư online phát triển như vũ bão, và chín mươi chín phẩy chín chín phần trăm đều có nguy cơ là lừa đảo. Người đàn bà cả đời cần mẫn lao động, không có kiến thức về công nghệ, thông tin, lại cả tin. Và khoản tiền dành dụm, sau hàng chục năm tích góp, đủ để đổ xuống sông xuống biển. Tay trắng.
Có lần tôi hỏi ông anh, một người làm trong một cơ quan bảo vệ pháp luật, rằng sao pháp luật không bảo vệ họ? Ông anh trả lời: Mỗi người phải có ý thức tự bảo vệ mình. Bởi suy cho cùng, pháp luật không thể nào chạm tới được tất cả mọi bất công trong xã hội!…
Câu chuyện về 8,8 tỷ đồng ở trên, thì làm sao một người có thể biết tự bảo vệ mình! Khi bị “chơi đòn hiểm”…
Sau thông tin về vụ 8,8 tỷ đồng, tôi lại vô tình đọc được đôi dòng chia sẻ của một nhà báo, câu chuyện về một người mẹ có những đứa con bị mắc bệnh máu khó đông. Chị là người Hà Nội, đương nhiên là người nghèo. Thuê một căn nhà trọ nho nhỏ, năm người cùng ở. Ba đứa con, chị, và mẹ. Đứa lớn nhất sinh năm 2003, đứa kế sinh năm 2011, và một đứa nhỏ hơn (nghi cháu cũng mắc bệnh như hai anh, nhưng vì sợ đối diện sự thật, nên chị không dám đưa con đi khám). Tôi không hiểu, vì sao định mệnh lại khéo sắp đặt đến vậy, một người phụ nữ phải chịu đựng bất hạnh tới ba lần!…
Con đau yếu, đương nhiên không thể nào lao động như thường được, bên cạnh đó còn phải điều trị bệnh, tốn biết bao tiền bạc. May mắn là người mẹ của chị còn đủ sức lực để đi rửa bát thuê, kiếm tiền phụ giúp chị. Nhưng sự giúp đõ đó như muối bỏ biển. Khi đọc câu chuyện gia đình chị, trên tút của nhà báo, và những trang báo, tôi không kiềm được nước mắt.
Đôi khi, tôi tự hỏi: sao không có chế độ đặc thù dành cho những con người có hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt như này, để hỗ trợ và giúp đỡ?
Chuyện về người mẹ có những đứa con bị máu khó đông, báo chí đã đăng bài từ hơn bốn năm trước, và cả hiện tại. Chuyện về người phụ nữ đầu tư online, bị lừa đảo, thì mới hơn một hai năm nay. Và câu chuyện về vụ 8,8 tỷ, thì mới làm nóng dư luận trong mấy ngày gần đây. Ba câu chuyện có vẻ rời rạc nhau, khung thời gian diễn tiến sự kiện cũng khác nhau. Nhưng tôi lại nhìn thấy một điều gì đó, về sự hiện hữu mong manh của kiếp người. Cuộc sống có đôi khi, có rất nhiều những điều xảy đến, cái mà ta không thể nào lường trước được.
Nhưng người đàn bà đầu tư online kia vẫn sống, người mẹ có những đứa con bị bệnh máu khó đông phải sống, và người đàn ông bị ngân hàng đòi 8,8 tỷ kia đang khiếu nại ngân hàng và yêu cầu làm rõ. Ở khía cạnh cá nhân, tôi cầu mong cho người đàn ông đó “thắng”. Tôi cầu mong cho người mẹ có những đứa con bị bệnh gặp phép màu. Và tôi cầu mong người phụ nữ bị lừa đầu tư online kia gặp được may mắn trong cuộc sống.
Tôi hiểu ra, cuộc sống có đôi khi dẫn dụ con người rơi vào những hoàn cảnh bi đát, và đó là môi trường lý tưởng để con người tin vào tâm linh (thậm chí mê tín). Và có đôi khi, chính điều đó lại là mảnh đất màu mỡ cho loại hình kinh doanh buôn bán dịch vụ tâm linh thịnh hành!…
Và có đôi khi, loại hình dịch vụ kinh doanh tâm linh kia, cũng là một kiểu lừa đảo, một kiểu bất công được che phủ bởi niềm tin!…
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cuoc-song-co-doi-khi-a655049.html