Chết lặng với kết quả dương tính Covid trên tay
Mỗi tháng, Hoàng Thị Hường (27 tuổi) lại gói ghém đồ đạc từ huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái xuống Hà Nội để truyền máu tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Bị bệnh tan máu bẩm sinh, lại mang trong mình nhóm máu hiếm B (Rh-) nên quá trình điều trị của Hường càng thêm vất vả và mệt nhọc.
Tháng 12/2021, là thời điểm dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội căng thẳng, số ca mắc tăng cao. Lúc này ở nhà gia đình của Hường cũng rất đắn đo vì sợ con xuống Hà Nội sẽ mắc Covid-19. Vì Hường thể trạng yếu không thể tiêm được vắc-xin ngừa Covid-19.
“Ở nhà tôi khi ấy, bố mẹ rất lo và có hỏi người thân ở dưới Hà Nội có nên xuống hay không, nhưng không xuống thì tôi không còn sức vì theo lịch cứ một tháng tôi phải xuống truyền máu một lần. Sau thời gian bàn bạc, tôi quyết định đi xuống truyền máu vì “không đi thì sức khoẻ sẽ yếu đi còn đi thì còn cơ hội được truyền máu sống tiếp”, Hường kể lại giây phút quyết định đi điều trị khi số ca mắc ở Hà Nội tăng mỗi ngày.
Thế rồi, chuyện không mong muốn nhất đã xảy ra, ngày 21/12 Hường có kết quả mắc Covid-19 – là bệnh nhân F0, tâm sự với Người Đưa Tin ở thời điểm hiện tại, Hường chia sẻ việc mình thoát khỏi “thần chết” người thân trong gia đình đều phải thốt lên “đó là cả một kỳ tích”.
Hường kể tiếp, trên chuyến xe di chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) để điều trị, Hường vội vàng gọi điện cho gia đình để thông báo tình hình. “Bố mẹ chỉ dặn tôi là cố gắng lên, nhưng nhìn khuôn mặt thì tôi biết bố mẹ lo lắng hoảng loạn lắm. Thay vì khóc thì tôi vẫn cố bình tĩnh để trấn an bố mẹ, cũng như bản thân”, Hường kể lại. Cúp máy, thấy mọi người trên xe ai nấy cũng sụt sùi, đến lúc này, Hường cũng không kìm được mà rơi nước mắt.
Trong giây phút ấy, trong đầu của nữ bệnh nhân hiện lên một viễn cảnh tiêu cực nhất: “Có khi nào mình phải chết xa quê hương, vì mình yếu quá không thể tiêm được mũi vắc-xin ngừa Covid nào”, Hường bật khóc.
Sau khi nhập viện, Hường bắt đầu tiếp nhận điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hàng tá thứ thuốc trong một ngày, sáng trưa chiều tối uống liên tục.
Những ngày tiếp theo, triệu chứng của bệnh Covid ngày càng rõ rệt như mệt mỏi, đau họng, miệng đắng ngắt. Mỗi đêm, Hường đều ngủ không yên giấc vì cảm giác tức ngực, khó thở. Toàn thân mệt rũ, từng hơi thở đều phải rất gắng sức.
Dù mất vị giác hoàn toàn, song Hường vẫn không bỏ bất kỳ bữa cơm nào, vì hiểu rằng, vũ khí lớn nhất trong trận chiến này là sức đề kháng. Hường cố gắng tập thở, giữ cho tinh thần thoải mái, thường xuyên vận động để cơ thể không suy nhược.
“Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, tôi cũng vững tâm hơn khi gia đình tôi cũng lập một nhóm chát riêng trên facebook gọi là “gia đình đánh bay Covid-19”, ở đó hàng ngày mọi người hỏi thăm sức khoẻ của nhau và chia sẻ những thông tin tích cực”, Hường chia sẻ về sự động viên tinh thần rất lớn từ gia đình.
May mắn đến với Hường khi dù khó thở, tức ngực nhưng Hường không cần phải dùng đến máy thở. Sức khỏe cũng tiến triển ngày một tốt hơn.
Mùa xuân yêu thương
Những ngày ở trong bệnh viện chiến đấu với Covid-19, Hường càng hiểu rõ về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Hường chứng kiến người đàn ông hơn 80 tuổi bị ung thư gan – người mà mới hôm trước Hường cùng trò chuyện, giúp ông pha sữa, đưa nước, đột nhiên chuyển nặng, ho ra máu và ra đi ngay sau đó. Đêm đó, Hường trằn trọc không ngủ nổi.
Những ngày tiếp theo, gia đình bạn bè liên tục hỏi thăm. Nhiều người xót xa quá mà khóc luôn trên điện thoại khiến Hường phải động viên ngược.
Chính tinh thần lạc quan và tình yêu thương của mọi người đã phần nào giúp Hường có thêm tinh thần để chiến đấu. Điều đó giúp Hường cảm thấy mình không còn đơn độc trong cuộc chiến này. Hường tâm niệm, sợ hãi chỉ khiến chúng ta thêm yếu đuối. “Căn bệnh hiểm nghèo hành hạ mình từ nhỏ còn có thể vượt qua được, chẳng nhẽ lần này vì Covid mà lại lo sợ không chống chọi nổi”, Hường chia sẻ.
Niềm vui và động lực cũng xuất hiện nhiều hơn đối với Hường khi mỗi ngày đều có các bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khỏi bệnh và trở về nhà.
Sau 15 ngày chiến đấu với bệnh tật, Hường được trở về nhà. Chia sẻ cảm xúc lúc ra viện, Hường nói mình vừa vui vừa buồn. Vui vì đã chiến thắng được hiểm nghèo, nhưng buồn nhiều vì phải chia xa những người bạn cùng phòng sau quãng thời gian cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh.
“Có ông nằm cùng phòng với tôi, cứ dúi vào tay mình hộp bánh để cầm về nhà ăn, cho dù bánh trái ở bệnh viện rất khó khăn để mua được. Không biết sau khi tôi về, có ai giúp ông liên lạc với người thân hay không. Ông không đi lại được, bệnh tình cũng nặng, sau này không biết rồi ông sẽ ra sao…”, Hường thở dài.
Trên chuyến xe trở về nhà, nhìn thấy cảnh vật ngày càng quen thuộc, Hường xúc động không kìm được nước mắt. Cảm giác tự hào xen lẫn vui sướng khi biết mình đã chiến thắng được Covid-19.
Còn với bố mẹ Hường, khi về nhà Hường mới biết rằng hàng ngày bố mẹ rất lo lắng cho con nhưng không dám nhắn tin nhiều vì sợ sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
“Người thân quanh tôi kể lại, khi tôi ở viện thì có hôm đến bữa cơm, bố bỗng nhiên gào khóc lên, bố bảo toàn những thứ con gái thích ăn mà không thể gửi cho con được. Nghe đến đây, tôi thấy thương bố mẹ nhiều vì đã dành cả cuộc đời để lo lắng chăm sóc cho tôi”, Hường bùi ngùi chia sẻ.
Việc chiến thắng Covid-19 là một kỳ tích đối với người có bệnh nền thuộc nhóm máu hiếm như Hường, hơn bao giờ hết việc được trở về nhà trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán là điều mà Hường cảm thấy vui nhất, người thân của Hường cũng vui lây.
“Tôi nhìn thấy gương mặt bớt lo âu, nhẹ nhõm của bố mẹ, vậy là tôi đã khỏi bệnh và mùa xuân này tôi lại được ở bên bố mẹ, bên những người thân yêu. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà trước đó, tôi cứ nghĩ rằng xuân năm nay tôi sẽ không thể về bên bố mẹ được nữa”, Hường tâm sự về niềm vui trong những ngày giáp Tết.
Sau tất cả, Hường gửi lời nhắn nhủ tới những người không may mắc Covid cần bình tĩnh, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và luôn lắng nghe cơ thể mình. Bên cạnh tuân thủ phác đồ điều trị, khuyến cáo của cán bộ y tế thì dù ở hoàn cảnh nào người bệnh cũng không được để dịch bệnh quật ngã, phải tự chăm sóc bản thân, phối hợp với các y, bác sĩ để điều trị tốt nhất, đẩy lùi Covid-19.
“Gia đình tôi lại được sum vầy”
Ông Hoàng Văn Trên (bố của Hường) chia sẻ: “Khi nghe tin con mắc Covid, tôi vô cùng lo lắng, mất ngủ nhiều đêm. Những ngày con gái ở viện, tôi luôn động viên con, nhưng con cũng biết bệnh tình của mình rồi đọc báo thấy nhiều người không qua khỏi nên lo sợ. Có hôm bệnh trở nặng, con gái tôi dặn dò bố mẹ ở nhà là con không sao mà tôi rơi nước mắt. Thương con mà không làm được gì chỉ biết động viên con cố gắng. Giờ đây, con đã khỏi bệnh, là bậc làm cha làm mẹ thì niềm vui không thể diễn tả hết bằng lời. Tôi cũng xin được cảm ơn các y bác sĩ đã tận tình chăm sóc cho con những ngày con ở viện. Tết này gia đình tôi lại được sum vầy, quây quần bên nhau đó là điều tôi thấy hạnh phúc nhất.”.
Hương Thương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tet-doan-vien-cua-benh-nhan-covid-19-vuot-qua-luoi-hai-tu-than-a539681.html