Sáng ngày 15/3, Sự kiện thường niên “Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ IV và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2023 – 2024” đã được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) nêu quan điểm nên phát triển nhà ở theo hướng cho thuê, đặc biệt là nhà ở xã hội.
Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia cho rằng quan điểm của Đảng và Nhà nước là làm sao người dân đều có nhà ở, tuy nhiên tâm lý của đại bộ phận người Việt Nam đều muốn sở hữu nhà riêng.
Trong khi đó nên phát triển theo hướng xây lên cho thuê thay vì mua bán do sẽ khó đảm bảo nhu cầu bởi sự chênh lệch thu nhập đang khá lớn.
Lấy ví dụ từ thực tiễn, Chủ tịch VNRea cho biết ở nhiều nước phát triển, trong đó nổi bật là nước Đức, nhà ở cho thuê là loại hình chính của đất nước này.
Ở các nước, tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê bằng cách thông qua các Quỹ tín thác bất động sản -REIT. Khi đầu tư vào kênh này, tài sản của người dân vẫn còn, lợi nhuận có thể thấp hơn một chút nhưng an toàn, bền vững.
“Việc phát triển nhà ở xã hội nên theo hướng nhiều nhà cho thuê, tăng tỉ trọng lên 30 – 40% sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư nhà ở cho thuê. Trong dân còn nhiều tiền, nhưng lại chỉ đang biết gửi ngân hàng trong khi nhà ở cho thuê cũng là kênh tiềm năng và giải quyết được bài toán nhà ở”, ông Hà nói.
Đồng quan điểm, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng tại Việt Nam, nhà ở xã hội đang được phát triển theo hướng tồn tại vấn đề là chưa thiết kế trên tư duy cho thuê.
“Như ở Đức chỉ hỗ trợ thuê nhà, không hỗ trợ người mua nhà. Tôi cho rằng cần quy định đối với nhà ở xã hội là 100% cho thuê, trong khi chúng ta chỉ cho phép 20% cho thuê”, ông Ánh nêu.
Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đối với việc phát triển nhà ở xã hội không nên có cách tiếp cận theo hướng “ta chỉ nên”, “ta chỉ làm”. Mà theo ông Hiếu, nên tiếp cận theo nhiều cách, nhiều góc độ để miễn sao kết quả cuối cùng là hỗ trợ được cho người dân.
“Tôi đồng ý với ý kiến của một số chuyên gia là nên cho thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thuê thì cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Tuy nhiên TS. Vũ Đình Ánh cũng bổ sung, làm thế nào để nhà ở xã hội phân phối đến đúng đối tượng được mua nhà lại là một câu chuyện khác.
Vị chuyên gia nhấn mạnh nếu không nghiên cứu kỹ, không thống kê rõ ràng thì dễ gặp hệ lụy bán không đến được đúng đối tượng, đối tượng không có khả năng mua, nếu để họ mua thì cuộc sống sẽ khó khăn hơn vì phần lớn thu nhập để trả các khoản vay.
Đặc biệt rủi ro hơn là việc bán nhà cho sai đối tượng, vị chuyên gia bộc bạch bản thân không ngạc nhiên với việc người đi ô tô mua nhà, vì theo ông, họ mới có tiền mua nhà ở xã hội.
Nhìn từ góc độ quy hoạch kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, mọi người nghĩ làm nhà ở xã hội để tiết kiệm chi phí là làm thấp tầng, thậm chí không có tầng hầm để tiết kiệm chi phí, bán được với giá rẻ là chưa chính xác.
“Làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có lẽ chúng ta phải học những người kinh doanh nhà trọ. Đó là vị trí phải gần xí nghiệp, nhà máy, có trường học”, ông Tùng chia sẻ. Theo đó, ông Tùng đưa ra 3 kiến nghị.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội phải do Nhà nước chủ đạo, doanh nghiệp đồng hành.
Thứ hai, phải thiết kế mẫu, để áp dụng được tất cả mọi nơi, nhà giống nhau, chỉ khác móng, và cần thực tế, đầy đủ, thuận tiện cho đối tượng công nhân, người thu nhập thấp.
Thứ ba, trong quy hoạch, cần gắn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bám vào các giao thông công cộng, từ đó sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, giúp họ di chuyển thận tiện giữa chỗ làm và chỗ ở.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-de-xuat-cho-thue-thay-vi-ban-nha-o-xa-hoi-a654269.html