noel giáng sinh vui vẻ
Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐầu tưCẩn trọng việc "lướt sóng" khi giá vàng "nhảy múa"

    Cẩn trọng việc “lướt sóng” khi giá vàng “nhảy múa”

    Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng.

    Lý do giá vàng trong nước tăng liên tục

    Sau đợt tăng nóng rồi hạ nhiệt vào cuối năm 2023, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC, vàng nhẫn khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao chưa từng có.

    Chia sẻ trên Tiền Phong, bà Lê Thị Hương Trà, Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng – phân tích, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn cũng cao hơn vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh cao lịch sử đối với vàng nhẫn và gần kỷ lục đối với vàng miếng SJC.

    “Tôi cho rằng nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong những ngày gần đây trước hết là do đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Cùng với đó, giá vàng trong nước bám theo chuyển động của giá vàng thế giới, trong khi giá vàng thế giới trên thực tế chưa có dấu hiệu đi xuống, thậm chí còn lên sát mức kỷ lục trong lịch sử”, bà Trà nói.

    Theo bà Trà, xung đột quân sự ở một số nơi có thể lan rộng nên cả thế giới đang tìm đến vàng để tích trữ và tìm tới USD để đảm bảo thanh khoản cao. Do đó, các Ngân hàng Trung ương liên tục mua vàng vào để tăng dự trữ.

    Ngoài ra, thực tế hiện nay, sức cầu đối với vàng tại thị trường trong nước luôn có xu hướng tăng trong môi trường lãi suất ngân hàng thấp, trong khi nguồn cung vẫn chưa được cải thiện do chờ chính sách quản lý mới về thị trường vàng ban hành. Vì vậy giá vàng vẫn có xu hướng đi lên, đồng thời chênh lệch giá mua – bán được kéo rộng ra để đảm bảo an toàn của đơn vị kinh doanh.

    Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, ngoài việc giá vàng thế giới tăng mạnh khiến giá vàng trong nước tăng thì nguyên nhân nữa bởi 10 năm nay, vàng miếng SJC không có nguồn cung mới dẫn đến khan hiếm.

    Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết, triển vọng tăng giá của vàng trong năm nay được nhiều tổ chức tài chính quốc tế khẳng định, không chỉ là dự báo từ Goldman Sachs mà còn từ các tổ chức khác đã nhận định giá vàng có thể chạm mức 2.500 USD thậm chí là 3.000 USD/ounce trong tương lai. Dự kiến, trong khoảng 6 tháng tới, giá vàng sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là vào cuối quý 3 và đầu quý 4/2024, phù hợp với xu hướng giá vàng thường tăng vào cuối năm.

    “Với xu hướng tăng của giá vàng toàn cầu, giá vàng trong nước cũng sẽ điều chỉnh tăng tương ứng. Tuy nhiên, mức độ tăng cũng như sự chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn so với thị trường thế giới sẽ còn phụ thuộc vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, và sự chú ý hiện nay đang đổ dồn vào việc cập nhật và sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, ông Trần Duy Phương phân tích.

    Thận trọng với “bẫy” tâm lý đám đông

    Sự biến động này đã kích hoạt hàng loạt cảnh báo từ các chuyên gia về khả năng áp lực chốt lời có thể xuất hiện. Đáng chú ý, mức chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới được cho là quá lớn, đặt ra rủi ro không nhỏ đối với những nhà đầu tư quyết định mua vào trong giai đoạn này.

    Các nhà phân tích khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng.

    PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, chính tâm lý đám đông khi nhiều người tham gia vào thị trường thì càng đẩy giá vàng SJC cùng vàng nhẫn lên mức rất cao. Đặc biệt, giá vàng hiện nay của Việt Nam đang cách khá xa so với giá vàng thế giới, nhất là vàng SJC chênh lệch tới 20 triệu đồng một lượng, chưa kể độ vênh giữa mua vào và bán ra quá lớn, tiềm ẩn rủi ro khi nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn.

    “Giá vàng trong thời gian tới về mặt nguyên tắc sẽ có chiều hướng tăng lên, nhưng mức tăng không quá lớn và có thể trong tháng 3 này giá vàng thế giới lại tiếp tục rơi về quanh khu vực 1.950 – 2050 USD/ounce. Với mức đó thì giá vàng Việt Nam sẽ tương đối rẻ chứ không quá cao và giá vàng vẫn luôn có chu kỳ tăng giảm, nên các nhà đầu tư nên hết sức chú ý trong quá trình đầu tư vàng”, vị chuyên gia khuyến nghị.

    Trên Báo Tin tức, ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT khuyến cáo: Nhà đầu tư nên hạn chế “lướt sóng” vàng vì chênh lệch giá mua bán đang rất lớn.

    “Nếu các nhà đầu tư vẫn tự tin về khả năng dự báo giá vàng của mình và quyết định muốn ‘lướt sóng’ vàng, tôi vẫn khuyên nhà đầu tư nên lướt sóng trên vàng nhẫn trơn 9999 hơn là lướt sóng vàng miếng SJC. Xét về lợi nhuận và rủi ro, trong khi vàng nhẫn trơn 9999 chỉ có rủi ro liên quan đến sự biến động của giá vàng thế giới, vàng miếng SJC chịu sự ảnh hưởng của biến động giá vàng thế giới và sự thay đổi về chính sách quản lý thị trường vàng khi Nghị định 24/2012 được sửa đổi”, chuyên gia An Huy cho biết.

    Quản lý vàng thế nào khi giá “nhảy múa”?

    Theo Người lao động, để giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ và giá vàng tăng vọt những ngày qua, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc – Đá quý ASEAN (AJC), góp ý NHNN có thể tạm thời ủy quyền cho một số công ty kinh doanh vàng – là đơn vị trực thuộc các ngân hàng lớn nhập khẩu vàng để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Lập tức, giá vàng nhẫn sẽ lùi về ngang bằng với giá thế giới.

    Thế nhưng, một số lãnh đạo VGTA cho rằng việc này chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, năng lực tài chính, kinh nghiệm thị trường của những công ty kinh doanh vàng trực thuộc các ngân hàng hết sức khiêm tốn, có thể nhập khẩu vàng mức giá không hợp lý.

    Mặt khác, NHNN không có chức năng kinh doanh nên việc ủy quyền cho đơn vị khác nhập khẩu vàng là không phù hợp với Nghị định 24. Giải pháp cốt lõi để hạ nhiệt giá vàng trong nước là NHNN đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 24 theo hướng trả lại việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.

    Theo VGTA, NHNN cần điều tra, khảo sát nhu cầu nguyên liệu sản xuất vàng ở tại thời điểm hiện tại (khoảng 20 tấn/năm). Sau đó, NHNN tiến hành khảo sát, kiểm tra quy mô hoạt động, năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất… của các doanh nghiệp hàng đầu để chọn đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng.

    Khi đó, NHNN chỉ đóng vai trò cấp hạn mức, giám sát doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ đăng ký mua nguyên liệu từ đơn vị nhập khẩu. “Làm được như thế, giá vàng trong nước sẽ giảm trong chớp mắt, chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn với giá thế giới sẽ thu hẹp đáng kể”, lãnh đạo VGTA kỳ vọng.

    TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là Chính phủ và NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế.

    Theo chuyên gia này, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24 đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 12 năm và đã đến lúc cần thay đổi, sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập sự cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.

    Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cũng cần được rà soát và đánh giá lại. Cụ thể, với doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. “Thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá vàng tăng cao như thời gian qua”, TS Cấn Văn Lực nói.

    Theo VTC News, giá vàng thế giới lập đỉnh mới nhờ được thúc đẩy bởi sự gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ.

    Theo chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS, dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự báo công bố vào tuần trước đã đẩy lãi suất thực của Mỹ xuống và đây là nguyên nhân kích hoạt đợt tăng giá của vàng.

    Trong tuần trước, giá vàng đã tăng khoảng 50 USD khi các báo cáo cho thấy chi tiêu xây dựng và sản xuất tại Mỹ ảm đạm cũng như áp lực giá giảm.

    Jess Felder, người sáng lập Felder Report, cho rằng kịch bản lạm phát cao cũng có lợi cho vàng. Theo ông, lạm phát cao liên tục có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào Ngân hàng Trung ương Mỹ, làm suy yếu đồng USD và khiến vàng trở thành tài sản hấp dẫn.

    Bên cạnh kỳ vọng lãi suất, chiến lược gia hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho rằng, căng thẳng địa chính trị gia tăng cũng là một chất xúc tác khác thúc đẩy đà tăng hiện tại của vàng.

    Thông tin kinh tế quan trọng tiếp theo được thị trường chờ đợi là báo cáo việc làm tháng 2 sẽ được công bố vào thứ Sáu. Dữ liệu này được cho là sẽ có thể tác động đến kỳ vọng cắt giảm lãi suất tại Mỹ.

    Theo công cụ CME Fed Watch, các thị trường đang định giá 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.

    T.M (tổng hợp)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU