noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐầu tưNhững thị trường nhập khẩu hàng hóa tỷ đô tháng đầu năm

    Những thị trường nhập khẩu hàng hóa tỷ đô tháng đầu năm

    Trong tháng 1/2024, có 7 thị trường, nhóm thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa với kim ngạch đạt 1 tỷ USD trở lên.

    7 thị trường nhập khẩu hàng hóa tỷ đô

    Theo Hải Quan online, thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong 7 thị trường và nhóm thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong tháng 1/2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.

    Trong tháng 1, riêng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên đến 11,88 tỷ USD, tăng mạnh 65% (tương ứng tăng tới 4,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

    Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này tăng mạnh chủ yếu từ các nhóm hàng như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại và sản phẩm (ba nhóm hàng này tăng 2,81 tỷ USD).

    Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 60% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tăng thêm của cả nước trong tháng 1/2024.

    Các thị trường Việt Nam nhập khẩu tỷ đô còn lại gồm: Hàn Quốc đạt 4,19 tỷ USD, tăng 7,3% (tương ứng tăng 285 triệu USD); ASEAN đạt 3,62 tỷ USD, tăng 20,2% (tương ứng tăng 609 triệu USD); Nhật Bản đạt 1,95 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 275 triệu USD; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 1,94 tỷ USD, tăng 32% (tương ứng tăng 470 triệu USD); EU đạt 1,31 tỷ USD, tăng 28,3% (tương ứng tăng 289 triệu USD); Hoa Kỳ đạt 1,24 tỷ USD, tăng 33% (tương ứng tăng 310 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.

    Về hoạt động nhập khẩu hàng hóa nói chung, tháng 1 kim ngạch đạt 30,9 tỷ USD, tăng 7,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

    Xu hướng thị trường - Những thị trường nhập khẩu hàng hóa tỷ đô tháng đầu năm

    Trong tháng 1/2024, có 7 thị trường, nhóm thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa với kim ngạch đạt 1 tỷ USD trở lên. Ảnh minh họa từ internet 

    Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm, cá tra Việt Nam

    Thông tin từ Công thương, tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng gấp gần 3 lần. Đây cũng là thị trường lớn nhất của tôm, cá tra Việt Nam trong tháng 1 này.

    Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay, xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài dữ kiện là năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, nếu so sánh từ mặt bằng thông thường thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn khoảng 24 – 25%, đây là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm mới 2024.

    Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể, tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.

    Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) với mức tăng gấp hơn 3 lần và trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật.

    Trong đó, riêng mặt hàng tôm và cá tra, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi mà xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.

    Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 1/2024 sang thị trường Hoa Kỳ tăng 63%; sang Nhật Bản tăng 43%; sang EU tăng 34%…

    Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

    Một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…

    Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

    Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Hoa Kỳ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu.

    Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn một chút. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 bắt đầu khởi sắc, do vậy giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25.000 – 26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28.000 – 29.000 đồng/kg đầu năm nay.

    Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.

    Ngành hải sản cũng như thủy sản nói chung đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như: xung đột ở Nga – Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt. Ngoài ra, riêng với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ xuất khẩu vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.

    Nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, hy vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định xuất khẩu có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

    Đào Vũ (T/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU