noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môXuất khẩu thủy sản năm 2024: Dự báo mục tiêu và những...

    Xuất khẩu thủy sản năm 2024: Dự báo mục tiêu và những thách thức

    Dự báo năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa chỉ tăng 3% so với 2023.

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD

    Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn.

    Trong số đó, sản lượng khai thác khoảng 3,54 triệu tấn, giảm 8,3% so với năm 2023; sản lượng nuôi trồng 5,68 triệu tấn, tăng 5% so với ước năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

    Cũng theo ông Trần Đình Luân, nguồn lợi hải sản suy giảm; Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác; nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục là những khó khăn mà ngành tiếp tục phải đối mặt đòi hỏi nỗ lực của toàn ngành. Cùng với tăng cường liên kết doanh nghiệp với chuỗi giá trị thủy sản, gỡ khó về thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, ngành tiếp tục giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản.

    Ông Trần Đình Luân cho rằng, phải tiếp tục tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi và chuỗi ngang. Trong lĩnh vực khai thác phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; khai thác phải phù hợp với trữ lượng nguồn lợi và đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá về đến nhà máy.

    Ngoài yêu cầu về giảm phát thải, tăng sản xuất xanh thì phúc lợi động vật cũng là vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thời gian tới. Đây không chỉ là nhu cầu của thị trường trong nước mà còn là xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới thời gian tới.

    Trong khi đó ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022. Trong số đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, tương đương với năm 2022; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2022.

    Riêng sản lượng khai thác chưa đạt chỉ tiêu đề ra là phải giảm còn 3,68 triệu tấn. Về nuôi trồng, riêng nuôi biển đạt khoảng 9,5 triệu m3 lồng, tăng 5,5% so với năm 2022, cùng với 57.000 ha nuôi nhuyễn thể. Tổng sản lượng nuôi biển đạt khoảng 789.800 tấn, tăng 10,1% so với năm 2022.

    Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, đạt 92% so với kế hoạch (10 tỷ USD). Giá trị xuất khẩu thủy sản tập trung vào: tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD…

    Kinh tế vĩ mô - Xuất khẩu thủy sản năm 2024: Dự báo mục tiêu và những thách thức

    Ảnh minh họa.

    Nhận diện khó khăn và triển khai nhiệm vụ năm 2024

    Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu cho rằng, thủy sản đã chuyển dần từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản tập trung; phát triển thị trường, sản xuất sản phẩm đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi sản phẩm thủy sản.

    Góp ý về giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, sản lượng tôm và cá tra đều tăng nhưng nếu tăng sản lượng mãi cũng khó.

    Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chính trong tháng 11 đều cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng âm, nhưng đà phục hồi vẫn chưa thể bứt phá trong dịp cuối năm nay.

    Đến nay, sản lượng tôm nuôi khoảng 1,1 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn chỉ dao động từ 3,5-4 tỷ USD, trong khi trước đây chỉ có 700.000 tấn giá trị cũng đạt giá trị tương đương. Vì vậy, cần xem xét giải pháp sơ chế, chế biến để nâng cao được gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực để nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

    Liên quan đến quản lý khai thác thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá cần hoàn thiện phần mềm Nhật ký điện tử phục vụ truy suất nguồn gốc thủy sản, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại địa phương.

    Theo ông Nguyễn Văn Trung, số hóa dữ liệu là cơ sở quan trọng để quản lý, điều hành, minh bạch nghề cá, qua đó quản lý vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn lực.

    Dự đoán bước sang năm 2024 còn nhiều khó khăn tuy nhiên Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm.

    Hiệp hội này cho rằng, với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các doanh nghiệp thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD năm 2024.

    Nhận định về những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2024, Vasep cho rằng lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

    Xung đột Nga – Ukraia, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy sẽ làm chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

    Tôm Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm. Tuy nhiên tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.

    Vasep nhấn mạnh, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất…

    Trúc Chi (t/h từ Vietnamplus, Lao Động)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU