Theo báo cáo tài chính mới công bố, CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) trong quý IV/2023 tiếp tục không ghi nhận doanh thu, lỗ sau thuế 1,84 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1,26 tỷ đồng.
Khoản lỗ của Cảng Phước An là do trong kỳ doanh nghiệp này phát sinh 1,84 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Lý giải việc kinh doanh thua lỗ, công ty cho biết do là doanh nghiệp dự án đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty vẫn đang phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp, các chi phí tư vấn, quản lý dự án, chi phí tài chính từ huy động vốn…
Luỹ kế trong năm 2023, Cảng Phước An không ghi nhận doanh thu và tiếp tục lỗ 6,8 tỷ đồng.
Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, tính tới ngày 31/12/2023, lỗ luỹ kế của Công ty Cảng Phước An lên tới 13,9 tỷ đồng, bằng 0,7% vốn điều lệ.
Bên cạnh kinh doanh thua lỗ, trong năm 2023, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty Cảng Phước An còn ghi nhận âm 205 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 215 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 551 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương gần 224 tỷ đồng, chủ yếu tăng nợ vay.
Tính tới ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Công ty Cảng Phước An tăng 40% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.272 tỷ đồng, lên gần 4.437 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 3.889 tỷ đồng, chiếm 87% tổng tài sản và tăng 63% so với đầu năm.
Lượng tiền mặt của doanh nghiệp này giảm mạnh 84% xuống còn 103 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng vọt gấp 5,6 lần lên 430 tỷ đồng do tăng mạnh trả trước cho người bán ngắn hạn.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng thêm 1.278 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, ở mức 2.347 tỷ đồng. Trong đó phát sinh thêm vay nợ tài chính ngắn hạn là 123 tỷ đồng và còn lại gần 1.148 tỷ đồng là nợ vay tài chính dài hạn.
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An được thành lập vào ngày 29/4/2008 để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và tỉnh Đồng Nai.
Hiện Cảng Phước An có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, trong đó PVN nắm 79,54% vốn, còn Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) sở hữu 17,05%, còn lại các cá nhân 3,41%.
Ngày 24/12/2009, Cảng Phước An được phê duyệt thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An làm chủ đầu tư.
Dự án Cảng Phước An có vị trí tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai – trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, đã và đang được kết nối giao thông thông suốt, thuận tiện bằng hệ thống đường bộ hiện đại, khoảng cách từ Cảng Phước An đến trung tâm Tp. HCM và Bình Dương chỉ khoảng 40 km.
Dự án Cảng Phước An có diện tích 183 ha, chiều dài bến 3.050m, gồm 6 Bến container và 4 bến tổng hợp, chiều sâu trước bến -15 m, tiếp nhận tàu hàng 60.000DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/cang-phuoc-an-lam-ca-nam-khong-co-doanh-thu-a645723.html