Làn sóng cho vay ưu đãi
Có mặt tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) trong những ngày cuối năm, chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) đang tìm hiểu về gói tín dụng cho các khách hàng cá nhân vay mới hoặc khách hàng cá nhân hiện hữu muốn vay thêm.
Khi được tư vấn về ưu đãi lãi suất cho vay 0%, chị Hà vô cùng quan tâm. Tuy nhiên, khi biết lãi suất 0% chỉ áp dụng đối với tháng đầu tiên; các tháng còn lại mức lãi suất theo quy định hiện hành của nhà băng này, chị lại thể hiện rõ sự ái ngại bởi lãi suất cho vay có thể tăng bất cứ khi nào, dễ rơi vào trạng thái không có khả năng hoàn trả.
Anh Mạnh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội), một người có nhu cầu vay mua nhà, đầu tư bất động sản chia sẻ: “Bản thân tôi cũng rất muốn vay tuy nhiên một phần vì lo ngại lãi suất sẽ tăng trở lại sau giai đoạn ưu đãi hoặc tăng đột biến, một phần do thị trường bất động sản đang “đóng băng” nên chưa dám xuống tiền đầu tư”.
Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng đã ồ ạt tung ra các gói ưu đãi tín dụng hấp dẫn nhằm kích thích nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Cụ thể, HDBank triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 0% được áp dụng trong tháng đầu tiên.
Với khách hàng doanh nghiệp, HDBank tiếp tục bổ sung gói ưu đãi với quy mô 5.000 tỷ đồng, lãi suất 0% trong tháng đầu tiên dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và cho mục đích chi lương, thưởng vào dịp cuối năm. Lãi suất đối với các tháng tiếp theo sẽ là 6,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) mới đây đã triển khai chương trình cho vay khách hàng cá nhân. Mục đích cho vay là để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu tiên.
Từ các tháng sau, mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 5,5%/năm đối với khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh; từ 6%/năm với khách hàng vay mua ô tô và 7,5%/năm vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất kinh doanh, có hạn mức 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay, với lãi suất chỉ còn 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng.
Ngoài ra, Sacombank dành 1.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh trung dài hạn và mua xe ô tô dành cho doanh nghiệp, với lãi suất cố định cho vay được điều chỉnh giảm trong 12 tháng còn 8%/năm, gói vay triển khai đến hết ngày 31/12/2023.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) cũng áp dụng lãi suất cho vay 5,5%/năm với khách hàng cá nhân có nhu cầu bổ sung vốn ngắn hạn hoặc trung dài hạn cho sản xuất – kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, đầu tư trang thiết bị, máy móc;
Vốn phục vụ đời sống tiêu dùng như nhận chuyển nhượng nhà đất để ở, xây mới hoặc sửa nhà, chung cư để ở, mua sắm tiêu dùng…
Chạy nước rút để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Lý giải về nguyên nhân các ngân hàng liên tục tung ra những gói ưu đãi, thậm chí cho vay với mức lãi suất 0%, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh nhận định đây là động thái nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong thời điểm cuối năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 20/12, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 10,85%, dù đã tiến tới mốc 2 chữ số nhưng vẫn chưa đạt tới mục tiêu tăng trưởng 14%-15% cả năm nay.
Đồng quan điểm với TS. Châu Đình Linh, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh cho rằng việc hạ lãi suất cho vay như vậy nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay tiền.
Một phần là giải quyết nguồn vốn huy động còn dư thừa chưa cho vay được, một phần là cố gắng cán đích mục tiêu tăng trưởng tín dụng để năm sau có thể được cấp “room” nhiều hơn.
Ông Huân cũng lưu ý, việc ngân hàng cho vay lãi suất 0% chỉ mang tính chất kích cầu cho vay trong ngắn hạn trong 1- 2 tháng đầu, sau đó sẽ theo lãi suất hiện hành của ngân hàng đó.
Nói về mức lãi suất cho vay 0%, ông Huân cho rằng ngưỡng 0% được xem như là ngưỡng chí tử của chính sách tiền tệ, bởi lãi suất danh nghĩa chỉ có thể về 0% chứ không thể có lãi suất danh nghĩa âm.
Vị chuyên gia này cho rằng mức lãi suất thấp như vậy cũng đem lại ít nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Bởi khi sức cầu tiêu dùng và cầu tín dụng yếu thì có tăng cung tiền cũng không có tác dụng, mà hệ quả là lãi suất về tiệm cận mức 0% và lúc này chính sách tiền tệ có nới lỏng thêm cũng không có tác dụng nhiều.
Theo ông Huân, việc đi vay để đầu tư vào thời điểm hiện tại có khá nhiều rủi ro do thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, lãi suất cho vay ở thời điểm hiện tại khá hấp dẫn nên tuỳ vào “khẩu vị” rủi ro của từng nhà đầu tư mà họ sẽ lựa chọn vay hay không.
Ông Linh thì cho rằng, lợi ích luôn đi kèm rủi ro. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần phải cân đối và đưa ra quyết định một cách khôn ngoan để vừa có lợi nhuận nhưng vẫn đảm bảo rủi ro ở mức thấp nhất chứ không phải vì lãi suất thấp mà tiến hành vay vô tội vạ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ngan-hang-va-cuoc-dua-cho-vay-lai-suat-thap-cho-voi-mung-a643463.html