NSƯT Mai Châu tên thật là Mai Thị Châu, sinh năm 1927 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà theo Cách mạng từ tháng 8 năm 1945, là phụ nữ Cứu Quốc, sau đó là tự vệ thành phố Vinh.
Bà là con út trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại thành phố Vinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô tiểu thư nhà giàu Mai Châu. Đó là khi gia đình nữ nghệ sĩ được chính quyền vận động phá nhà nhằm thực hiện kế sách “vườn không nhà trống”, như lời bà kể là phá dỡ hết, viên gạch lành cũng chặt làm đôi, không để lại gì cho bọn Tây.
NSƯT Mai Châu kể lại: “Lúc đầu, gia đình vẫn còn băn khoăn vì cơ ngơi khang trang rộng vài trăm mét vuông trên con phố đẹp nhất thành phố Vinh phải mất nhiều năm mới gây dựng được. Nhưng cuối cùng, cha mẹ tôi đồng ý”. Cô con gái út Mai Châu cũng ủng hộ cách mạng bằng hành động: Trốn nhà nhảy tàu vào Nam theo đoàn quân “Nam tiến”.
“Cấp trên yêu cầu tôi phải học qua một lớp cứu thương cấp tốc thì mới cho ra chiến trường, tôi xung phong đi học ngay. Hồi ấy, chỉ cần được ra phục vụ ở chiến trường thì không ai sợ khó, sợ khổ”, NSƯT Mai Châu chia sẻ.
Tháng 12/1945, Mai Châu lên đường “Nam tiến”. Hoàn thành nhiệm vụ, nữ nghệ sĩ ở lại miền Nam, trở thành diễn viên ca múa trong Đoàn Tuyên truyền Giải phóng quân, đi phục vụ bộ đội tại khắp các chiến trường miền Nam kháng Pháp.
Năm 1947, bà là diễn viên đoàn kịch Tiền Tuyến. Năm 1956, bà chuyển về Xưởng phim Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), lồng tiếng cho phim nước ngoài rồi trở thành diễn viên điện ảnh. Sau khi trường Điện ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên khóa 1, nghệ sĩ Mai Châu và một số đồng nghiệp đã đi học thêm và cũng phải trả bài như sinh viên chính quy.
Một thời gian sau, bà tham gia diễn xuất trong phim “Chung một dòng sông” (1959) – bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, mở đầu cho một loạt các vai diễn trong nhiều bộ phim nổi tiếng ra đời vào giai đoạn đầu non trẻ của ngành như “Cô gái công trường” (1960), “Chị Tư Hậu” (1963), “Đi bước nữa” (1964), đặc biệt là vai chính trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (1966).
Thập niên 1970, 1980 là thời kỳ sôi nổi của điện ảnh nước nhà với sức sáng tạo không mệt mỏi của các nghệ sĩ và Xưởng phim truyện Việt Nam. Cùng với các diễn viên tốt nghiệp lớp Diễn viên K1 và K2 Trường Điện ảnh Việt Nam, NSƯT Mai Châu đã đóng khoảng 30 vai diễn lớn nhỏ trong các phim truyện điện ảnh và video, tiêu biểu là các phim: Cô gái công trường (vai Mẹ Mận), Chị Tư Hậu (vai vợ Mười Hợi), Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn (vai Lệ Mỹ), Sao tháng Tám (vai bà Phó Đoan), Chị Dậu (vai bà Nghị Quế), Làng Vũ Đại ngày ấy (vai vợ Bá Kiến), Đông Dương (vai bà quản gia), Hoàng Lê nhất thống chí (vai Hoàng Thái Hậu), Lá ngọc cành vàng (vai người mẹ)…
Với vẻ đẹp đài các, NSƯT Mai Châu rất hợp với các vai sắc sảo, có phần ghê gớm như bà Phó Đoan (Sao Tháng Tám), bà Nghị Quế (Chị Dậu), vợ Bá Kiến (Làng Vũ Đại ngày ấy), Hoàng Thái hậu (Hoàng Lê Nhất thống chí) và người mẹ ghê gớm trong Lá ngọc cành vàng.
Đối với khán giả yêu phim Việt Nam xưa thì những nhân vật như bà Nghị Quế trong phim Chị Dậu, bà Phó Đoan của Sao Tháng Tám, vợ Bá Kiến trong Làng Vũ Đại ngày ấy hay Hoàng Thái Hậu trong phim Đêm hội Long Trì… là những nhân vật không dễ gì bị lãng quên trong tâm trí người xem nhờ sự “đóng đinh” của gương mặt nghệ sĩ vừa có nét quyền quý vừa sắc sảo là Mai Châu.
Vai diễn bà Nghị Quế trong Tắt đèn, đóng cùng diễn viên Lê Vân (vai Chị Dậu), nghệ sĩ Mai Châu cho biết, nhờ kinh nghiệm được sống trong thời Pháp thuộc nên bà hiểu không khí, tinh thần của nhân vật.
Nữ diễn viên Mai Châu lập gia đình năm 19 tuổi khi đang ở đoàn kịch tiền tuyến. Ngoài đóng phim, bà vẫn thường xuyên tham gia lồng tiếng cho phim nước ngoài, sau đó có kinh nghiệm thì làm đạo diễn lồng tiếng. Sự tháo vát, đảm đang của cô tiểu thư nhà giàu Mai Châu còn thể hiện ở các công việc mà bà nhận làm thêm cho các chương trình kịch truyền thanh của đài Tiếng nói Việt Nam. Bà còn là chủ thương hiệu Áo cưới Mai Châu.
Việc này do một lần bà vào Sài Gòn tham dự Liên hoan phim. Những lúc rảnh rỗi, đi dạo phố Sài Gòn ngắm nhìn các tiệm cho thuê áo cưới trên đường Đồng Khởi, bà chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh theo kiểu này. Bà bước vào một vài cửa hàng, người chủ biết bà là diễn viên nên tiếp đón rất nhiệt tình, còn bày cho cách thức nhập hàng gốc, chọn mẫu… Và bà quyết tâm theo đuổi nghề tay trái mới này.
Bà và 2 người con gái cùng 2 người con dâu mở rộng thêm hệ thống cửa hàng Áo cưới Mai Châu. Nhờ kinh doanh phát đạt, gia đình bà đã mua được nhà ở Hàng Bông để mở cửa hàng. Hiện nay, cửa hàng vẫn hoạt động tốt và bà giao lại cửa hàng cho người con gái gái lớn quản lý. Kể từ khi người bạn đời không còn ở bên, nghệ sĩ Mai Châu sống vui vầy với con cháu trong điều kiện sống rất tốt.
Tùng Lâm (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nsut-mai-chau-nu-dien-vien-gao-coi-cua-dien-anh-cach-mang-viet-nam-a641676.html