Nhiều khó khăn bủa vây doanh nghiệp
Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, diễn ra từ ngày 12-14/12, tại buổi thảo luận đã có nhiều nội dung quan trọng được đưa ra. Trong đó, vấn đề thực trạng và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tạo được nhiều sự quan tâm.
Tại phiên thảo luận, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đại diện cho 27.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trình bày, kiến nghị một số nội dung quan trọng và mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm giải quyết cho các doanh nghiệp.
Theo ông Đoan, năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, khiến cho nền kinh tế chìm trong gam màu tối. Hậu quả, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường, các doanh nghiệp còn lại đang phải “gồng mình” chống chọi khó khăn, cố gắng để tồn tại.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa luôn ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội. Theo ông Đoan, mặc dù thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm hỗ trợ động viên từ các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, tuy nhiên, hiện còn tồn đọng một số vấn đề cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn, cần được tháo gỡ.
Trong khi tín dụng bị thắt chặt, khiến dòng vốn cho sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, dẫn tới thực trạng các tổ chức tín dụng thì “thừa tiền” nhưng doanh nghiệp lại “đói vốn”, khi vướng mắc trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày càng nhiều và phổ biến.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng nhà nước và nhiều văn bản hỗ trợ khác, tuy nhiên, thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này còn hạn chế.
Tiếp đó, về vấn đề cải cách hành chính tại địa phương. Theo ông Đoan, bên cạnh những kết quả đạt được, như cắt giảm chi phí, rút gọn thời gian thủ tục hành chính, hiện vẫn còn tồn tại nhiều thủ tục chồng chéo. Theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của doang nghiệp, như: Thủ tục đầu tư, Thủ tục đất đai, Thủ tục xây dựng. Hiện vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, yếu kém, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, gây bức xúc trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt giảm so với các năm trước và các tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Nguyên nhân được xác định do UBND tỉnh ban hành Bảng giá vật liệu xây dựng rất thấp, không sát với thực tế, khiến cho doanh nghiệp càng làm càng lỗ, các dự án không có khối lượng để giải ngân vốn đầu tư công, dẫn đến chậm tiến độ trong việc thực hiện các dự án.
Đáng lưu ý, trong khi đó, giá đất ở tại các Khu đô thị mới thì ngược lại, áp dụng giá cách đây 2-3 năm trước, thời điểm bất động sản đang sôi động. khiến cho bảng giá đất ở các dự án Khu đô thị mới tăng cao vọt, các mặt bằng trong tỉnh không thể tiến hành đấu giá được, dẫn đến chậm trễ kéo dài, đô thị thì bỏ hoang, không thu được nguồn ngân sách về cho tỉnh.
Những ý kiến tâm huyết và trăn trở
Trong phát biểu tại Kỳ họp nêu trên, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã nêu ra, kiến nghị nhiều giải pháp để các cấp lãnh đạo xem xét, có giải pháp kịp thời, thiết thực để tiếp tục “giải cứu”, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, ông Đoan kiến nghị các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với một công việc cụ thể, cần nghiên cứu cách thức giải quyết khoa học, hợp lý và nhanh chóng. Tránh trường hợp cấp trên thường giao cho các nhóm sở ngành liên quan, chủ trì rà soát lấy ý kiến tham mưu của một công việc, kéo dài thời gian… có dấu hiệu né tránh trách nhiệm, đùn đẩy lẫn nhau, làm chậm chễ hoạt động của doanh nghiệp.
“Nếu giao công việc cho một đơn vị chủ trì tham mưu trong nhóm sở ngành liên quan, đơn vị chủ trì nên tổ chức một cuộc họp lấy ý kiến trực tiếp từ các sở ngành trong nhóm liên quan, lập biên bản làm việc chung, làm cơ sở để thực hiện trong xử lý công việc. Tránh tình trạng trong nhóm sở ngành liên quan xử lý một công việc thì đơn vị nào cũng được chủ trì cả một vòng tròn. Có như vậy mới rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp”, ông Đoan nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, ông Đoan đề nghị lãnh đạo Tỉnh quan tâm, xem xét, tạo cơ chế, chính sách như khuyến khích, bảo vệ cán bộ công chức, viên chức, có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Mạnh dạn thuyên chuyển công tác những cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc được giao đến một môi trường công việc khác phù hợp.
Đối với những văn bản trả lời đề xuất, kiến nghị cho doanh nghiệp, các sở ngành liên quan hoặc Văn phòng UBND tỉnh cần trả lời cụ thể, rõ ràng, chi tiết mạch lạc, để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện. Những nội dung không đồng ý chấp thuận thì cần dẫn chứng có lý do cụ thể. Tránh xảy ra tình trạng chung chung, cố tình né tránh trách nhiệm để làm khó doanh nghiệp.
Việc cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ vật liệu xây dựng với trữ lượng quá thấp so với thực tế, không đủ khối lượng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh; dẫn đến thiếu hụt vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, để đáp ứng tiến độ dự án. Từ những nguyên nhân nêu trên, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan, sớm có giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng trên để tạo điều kiện phát triển và bảo vệ Doanh nghiệp.
Về giải pháp đối với nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các gói được hỗ trợ của Chính phủ, hiện đang được ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa tích cực đẩy mạnh giải ngân. Theo ông Đoan, thời gian tới, kiến nghị Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa rà soát và chỉ đạo các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các Doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời nêu cụ thể số lượng các doanh nghiệp đã, đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nguồn vốn nêu trên.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, hiện nay, trụ sở của Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp vẫn đang thuê tại tòa nhà VCCI chỉ trên dưới 20 m2. Với cơ sở vật chất hiện đã xuống cấp, không gian chật hẹp, không đảm bảo và phù hợp cho việc tổ chức các Hội nghị, buổi làm việc với đối tác, các cơ quan đơn vị tới thăm và làm việc…
Về việc này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, xem xét tạo điều kiện để Hiệp hội được thuê (hoặc) mượn khoảng một đến hai tầng tại Tòa nhà Trung tâm công nghệ thông tin – Phường Đông Hải, Thành phố Thanh Hóa để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa sớm có trụ sở làm việc, đúng với vai trò, vị thế của một tổ chức đại diện cho hơn 27 nghìn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
“Với mong muốn Doanh nghiệp phát triển bền vững, Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh khẳng định và cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng với cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, Đoàn kết, đồng lòng, ra sức thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, từng bước vượt qua khó khăn, tạo nhiều công ăn việc làm ổn định đời sống cho người lao động; làm ra nhiều của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”, ông Đoan chia sẻ.
Tại phiên trả lời, tiếp thu các kiến nghị của đại biểu, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo rất quyết liệt việc cải cách hành chính và thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế tồn tại trong thực thi công vụ, thời gian tới phải làm triệt để hơn, dứt khoát hơn nhằm tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư.
Về thủ tục hành chính, ông Đỗ Minh Tuấn cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng trả hồ sơ 2 lần trở lên, trả hồ sơ nhưng không ghi rõ lý do trả lại, hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Cao Tiến Đoan, ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cố gắng cải thiện tốt hơn các chỉ số về môi trường đầu tư. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao cho từng ngành, từng lĩnh vực phụ trách các chỉ số thành phần để gắn trách nhiệm.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/chu-tich-hh-doanh-nghiep-thanh-hoa-hien-ke-phat-trien-doanh-nghiep-a640692.html